Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

Alexandre Yersin – Nhà khoa học, người thầy vĩ đại


Ngày nay người Việt Nam và những người làm công tác khoa học trên thế giới, không mấy ai không biết tên Yersin. Đi qua một số thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt... chúng ta đều thấy những con đường mang tên ông. Tại Bình Dương, một tỉnh nhỏ cũng có con đường lớn và dài xuyên qua trung tâm thị xã Thủ Dầu Một mang cái tên rất đỗi thân thuộc: Đường Bác sĩ Yersin.Sinh ra ở Thụy Sĩ ngày 22/9/1863, cha mẹ là người gốc Pháp, tuổi trẻ của Alexandre Yersin đã trải qua hai trường Đại học Y khoa ở Lausanne (Thụy Sĩ) và Menbourg (Đức) nhưng đều không thành đạt. Năm 23 tuổi ông sang Pháp và xin vào làm kỹ thuật viên tại bệnh viện Hotel Dieu Paris. Tại đó ông đã may mắn gặp được Louis Pasteur và được nhận vào làm việc ở phòng thí nghiệm vi trùng của Pasteur. Vừa làm việc, Yersin vừa nghiên cứu một đề tài khoa học nhỏ để làm luận án tốt nghiệp Đại học Y khoa. Hai năm sau ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án này và được xếp vào loại công trình khoa học có giá trị thời bấy giờ. Khi đó Yersin tròn 25 tuổi và vừa nhập quốc tịch Pháp.Ngày 01/01/1889, viện Pasteur Paris chính thức thành lập, đây là nơi mà Yersin và giới y học Pháp mơ ước được làm việc. Thế nhưng tháng 9/1890, ông đã rời Pháp đi Viễn Đông với một niềm đam mê mãnh liệt là nghiên cứu những miền đất này. Ông đã đến Việt Nam, và tháng 7/1891 ông đặt chân đến Nha Trang. Tại Việt Nam, ông nhận nhiệm vụ của nhà đương cục Pháp ở Đông Dương đi điều tra vùng rừng núi phía Đông sông Mê Kông tới bờ biển Việt Nam. Từ năm 1892 đến 1894 ông đã thực hiện 3 cuộc thám hiểm trong 13 tháng để tìm hiểu về đất đai, tài nguyên, dân cư, khí hậu... Chính trong thời gian này ông đã tìm ra Đà Lạt trên cao nguyên Lang Bian vào tháng 6/1893 và đề nghị Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thành lập một thành phố nghỉ mát và dưỡng bệnh tại đây. Đề nghị đó đã được chấp nhận và mấy năm sau thành phố Đà Lạt được khởi công xây dựng.Năm 1893, bệnh dịch hạch bùng nổ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông. Nạn dịch này lớn chưa từng thấy và đã cướp đi rất nhiều sinh mạng. Tại Hồng Kông lúc đó dân số chỉ có 200.000 người nhưng đã có tới 100.000 người phải bỏ chạy khỏi vùng đất này tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên đến 95%. Yersin đã xin được đi Hồng Kông để nghiên cứu và chỉ 5 ngày sau khi đến nơi, ông đã phát hiện được vi trùng dịch hạch. Sau 49 ngày ở Hồng Kông, ông trở về Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công vaccin chống dịch hạch để gửi đi các nơi đang có dịch bệnh hoành hành.Sau thành công lớn về chống dịch hạch, Yersin thành lập phòng thí nghiệm và nghiên cứu vi trùng ở Nha Trang. Công việc đang tiến hành thì Toàn quyền Đồng Dương bổ nhiệm ông làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y Hà Nội. Sau hai năm xây dựng và tổ chức, ổn định việc đào tạo cho nhà trường, ông xin được trở lại Nha Trang.Về Nha Trang, ông đã dùng toàn bộ tiền dành dụm, tiền thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, kể cả vay mượn, để tổ chức khai hoang vùng Suối Dầu, cách Nha Trang 20km, làm khu chăn nuôi, trồng trọt phục vụ cho công tác nghiên cứu, làm một con đường lên đỉnh núi Hòn Bà cách đó 30km để khai hoang trồng thử nghiệm cây quinquina lấy vỏ chiết xuất ra chất quinine điều trị bệnh sốt rét. Tại đây, ông còn đem giống cây cao su về trồng thí nghiệm và sau này thành công, phát triển ra nhiều tỉnh khác trong toàn quốc. Cây cao su và cây quinquina được ông lấy giống từ Indonesia về vì trước đó ở Việt Nam chưa có các giống cây này. Việc trồng quinquina trên đỉnh đồi Hòn Bà không thành công do không hợp thổ nhưỡng. Yersin không nản chí đã chuyển lên trồng ở cao nguyên Dran và Lang Bian. Tại đây ông đã thành công ngoài mong muốn: năm 1926 ông thu hoạch lứa quinquina đầu tiên và chiết xuất được quinine với hàm lượng cao. Sau đó ông đã phát triển trồng ở Đà Lạt được 671 ha quinquina, hàng năm thu được hàng chục tấn vỏ. Lúc bấy giờ trên thế giới bệnh sốt rét vẫn đang hoành hành nên quinina rất quý.Hơn 50 năm ở Nha Trang, Yersin đã nghiên cứu thành công 50 công trình khoa học, trong đó có 40 đề tài về y học và 10 đề tài về nông nghiệp. Ông đã từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Hà Nội, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, Chủ tịch danh dự Hội đồng khoa học Viện Pasteur Paris, Viện trưởng Viện Pasteur Đông Dương. Bên cạnh y học và nông nghiệp, ông còn say mê nghiên cứu thiên văn, sử dụng máy quay phim, máy chụp ảnh, vô tuyến điện và ham mê văn học, dịch thuật...Là một nhà bác học vĩ đại, nhưng Yersin sống rất giản dị và giàu lòng nhân ái. Hơn 50 năm ở Nha Trang, ông sống trong một căn nhà đơn sơ ở xóm Cồn giữa những người dân chài lưới và đem những hiểu biết của mình nhiệt tình giúp đỡ họ.Yersin đã dành hơn nửa thế kỷ cuộc đời mình ở Việt Nam. Ông mất năm 1943 và theo nguyện vọng của ông, những người dân ở Nha Trang cùng các nhà chức trách người Pháp đã đưa ông lên an táng tại Suối Dầu. Trên nấm mộ của ông có khắc dòng chữ giản dị: Alexandre Yersin 1863-1943. Ở đó, ngày nay những người dân Nha Trang và du khách vẫn thường đến tháp hương và đặt hoa trên mộ ông

(tai liệu từ thegioiebook.com)

Không có nhận xét nào: