Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010

Các đời vua nhà Trần

Trần Thái Tông
Trần Thái Tông (chữ Hán: 陳太宗; tên thật là Trần Cảnh 陳煚; 17 tháng 7, 1218 – 4 tháng 5, 1277) là nhà vua đầu tiên của nhà Trần, ở ngôi hơn 32 năm (1225-1258), làm Thái Thượng Hoàng 19 năm. Ông được vợ là Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng đầu tiên và là nhà vua cuối cùng của nhà Lý nhường ngôi. Việc ông được đưa lên làm vua nói riêng và nhà Trần thay thế nhà Lý nói chung phần lớn nhờ ở công sức của Trần Thủ Độ, chú của Trần Cảnh. Khi đó Trần Thủ Độ là Điện tiền chỉ huy sứ trong triều Lý. Bố của Trần Cảnh là Trần Thừa, cũng là một viên quan của triều Lý như Trần Thủ Độ. Ông từng làm Nội thị khán thủ, một chức quan đứng đầu các quan hầu cận của vua nhà Lý).

Trong thời gian ở ngôi, Trần Thái Tông đã 3 lần đổi niên hiệu: Kiến Trung (1225-1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258).

Trước khi truyền ngôi cho con trai là Thái tử Trần Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông), Trần Thái Tông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại thành công cuộc xâm lược lấn thứ nhất của quân Nguyên Mông.


Trần Thánh Tông
Trần Thánh Tông (chữ Hán: 陳聖宗; 1240-1291; tên thật là Trần Hoảng 陳晃) là nhà vua thứ hai của nhà Trần (sau vua cha Trần Thái Tông và trước Trần Nhân Tông), ở ngôi 21 năm (1258-1278) và làm Thái Thượng Hoàng 13 năm.

Trần Thánh Tông là con thứ hai trong các người con của vua Trần Thái Tông. Những người còn lại là các hoàng tử Trần Quốc Khang, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc, các công chúa Thiên Thành, Thiều Dương, Thụy Bảo, An Tư.

Trong thời gian ở ngôi, Trần Thánh Tông đã 2 lần đổi niên hiệu: Thiện Long (1258-1272) và Bảo Phù (1273-1278). Bộ Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu viết cũng được hoàn thành trong thời gian này. Ông là một người biết sử dụng nhân tài, chăm lo việc nước, thi hành một đường lối ngoại giao mềm dẻo nhưng cứng rắn để đối phó với tham vọng xâm lược của quân Nguyên.

Năm 1278, sau chiến tranh ông truyền ngôi cho con trai là Thái tử Trần Khâm (sau là vua Trần Nhân Tông), về ở Bắc cung rồi đi tu, nghiên cứu Phật học, viết sách.


Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông (chữ Hán: 陳仁宗; 1258-1308, tên thật là Trần Khâm 陳昑) là nhà vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông), ở ngôi 15 năm (1278-1293) và làm Thái Thượng Hoàng 15 năm.

Trần Nhân Tông là một vị vua được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử. Trong thời gian trị vì, ông đã lãnh đạo nhân dân qua 2 cuộc chống xâm lược Nguyên Mông (1285 và 1287). Các niên hiệu trong thời gian vua Trần Nhân Tông trị vì là Thiệu Bảo, Trùng Hưng.

Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này.

Ông mất năm 1308, chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.


Trần Anh Tông
Trần Anh Tông (chữ Hán: 陳英宗; 1276-1320, tên thật là Trần Thuyên 陳烇) là nhà vua thứ tư của nhà Trần (sau vua cha Trần Nhân Tông và trước Trần Minh Tông), ở ngôi 21 năm (1293-1314) và làm Thái thượng hoàng 6 năm.

Niên hiệu trong đời vua Trần Anh Tông là Hưng Long.

Anh Tông lúc đầu hay uống rượu và đêm thường hay lén ra ngoài đi chơi, có khi bị đồ vô lại phạm đến. Một hôm uống rượu say đến nỗi Thượng hoàng Nhân Tông ở Thiên Trường về kinh, các quan đều ra đón rước cả, mà vua vẫn nằm ngủ. Thượng hoàng giận lắm, truyền xa giá lập tức về Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đấy hội nghị. Khi Anh Tông tỉnh rượu, biết thượng hoàng về kinh, sợ hãi quá, vội vàng chạy ra ngoài cung gặp một người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài, mượn thảo bài biểu để dâng lên tạ tội, rồi cùng với Nhữ Hài xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu rồi quở mắng một lúc, và tha lỗi cho Anh Tông. Về đến kinh sư, Anh Tông cho Đoàn Nhữ Hài làm ngự sử trung tán, và từ đấy không uống rượu nữa. Từ xưa đến nay vua Đại Việt vẫn có tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi, nhưng Anh Tông không muốn theo tục này. Một hôm Thượng hoàng bảo Anh Tông rằng: " Dòng dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được". Anh Tông tuy vâng mệnh nhưng lừa khi Thượng hoàng bận việc khác, lẩn đi không cho vẽ. Từ đấy, vua Đại Việt mới không vẽ mình nữa. Tính vua Anh Tông hay vẽ: thường có làm một tập Thủy Vân Tùy Bút, nhưng đến lúc sắp mất đem đốt đi không cho để lại. Sử có chép rằng khi Anh Tông đau nặng, hoàng hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh tử, Anh Tông gạt đi mà bảo rằng: "Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết". Xem thế thì biết Anh Tông là một ông vua hiếu thảo và lại thông minh, cho nên việc triều chính thời bấy giờ có cương kỷ lắm.

Trong triều lại có những người tài giỏi hết lòng giúp việc nước. Về văn có Trương Hán Siêu, võ có Phạm Ngũ Lão đều là người có tài trí cả.

Thời bấy giờ vua hiền, tôi trung, phép tắc nghiêm trang, thưởng phạt phân minh, chính trị không có điều gì hồ đồ. Việc học hành mở mang rộng rãi, cho nên những người có tài văn học như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đều được thi đỗ, ra làm quan giúp việc triều đình. Có thể coi đó là thời rất thịnh của nhà Trần vậy. Tuy nhiên, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư dù có khen nhưng vẫn phê phán ông là quá mộ đạo Phật: Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?.


Trần Minh Tông
Trần Minh Tông (chữ Hán: 陳明宗; 1300-1357) (tên thật là Trần Mạnh 陳奣) là nhà vua thứ năm của nhà Trần (sau Trần Anh Tông và trước Trần Hiến Tông), ở ngôi 15 năm (1314-1329) và làm thái thượng hoàng 28 năm.

Các niên hiệu trong đời vua Trần Minh Tông là Đại Khánh, Khai Thái.
Năm Giáp Dần (1314), thái tử Mạnh lên nối ngôi lấy niên hiệu là Đại Khánh. Minh Tông có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh.

Năm Ất Mão (1315) vua định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau.

Năm Quý Hợi (1323) mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên vua Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Tuy nhiên, do quá tin vào Trần Khắc Chung cùng Cương Đông Văn Hiến hầu (con/em? Trần Nhật Duật) nên năm 1328 đã giết Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là chú ruột, đồng thời là Quốc trượng (bố vợ) mình.

Minh Tông làm vua đến năm Ất Tị (1329) thì nhường ngôi cho Thái tử Vượng, về làm Thái Thượng hoàng.


Trần Hiến Tông
Trần Hiến Tông (chữ Hán: 陳憲宗; 1319-1341) tên húy là Trần Vượng (陳旺), là vua thứ sáu của nhà Trần, lên ngôi ngày 15 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Tị 1329, đặt niên hiệu là Khai Hựu.

Hiến Tông trị vì nhưng việc điều khiển triều chính, kể cả việc dẹp loạn Ngưu Hống ở Đà Giang, đánh quân Ai Lao xâm phạm bờ cõi đều do Thái thượng hoàng Trần Minh Tông, cha ông đảm nhận. Ông làm vua đến năm Tân Tị 1341 thì mất, ở ngôi 13 năm, thọ 23 tuổi.


Trần Dụ Tông
Trần Dụ Tông (tên thật là Trần Hạo; 1336-1369) là nhà vua thứ bảy của nhà Trần (sau Trần Hiến Tông và trước Trần Nghệ Tông). Ông cai trị từ năm 1341 đến 1369.

Vua Hiến Tông không có con nên việc truyền ngôi báu do Thượng hoàng xếp đặt. Thượng hoàng Minh Tông có 7 con trai: Hiến Tông Vượng, Cung Túc vương Dục, Cung Định vương Trạch, Dụ Tông Hạo, Cung Tĩnh vương Nguyên Trạch, Nghệ Tông Phủ, Duệ Tông Kính.

Hiến Tông mất, Thượng hoàng lập người con tên Hạo, sinh năm Bính Ngọ (1336) lên làm vua hiệu là Dụ Tông. Những năm đầu những quyền bính đều do Thượng hoàng Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói nhưng việc chính trị vẫn còn nền nếp. Từ năm 1358 trở đi, Thượng Hoàng mất, các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn cũng không còn, triều đình bắt đầu rối loạn. Bọn gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng vua không nghe, ông liền bỏ quan về dạy học. Vua Dụ Tông ham chơi bời rượu chè khiến triều đình rối nát loạn nổi lên như ong. Nhân dân cực khổ trăm bề. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga mấy lần đem quân đánh phá thành Thắng Long khiến triều Trần nhiều phen khốn đốn.

Năm Kỷ Dậu (1369) vua Dụ Tông mất thì bão táp đã nổi lên ở cung đình. Nguyên do, Dụ Tông không có con nên triều đình lập Cung Định vương là anh Dụ Tông lên làm vua nhưng bà Hoàng thái hậu nhất định đòi lập người con nuôi của Cung Túc vương là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Nguyên mẹ Nhật Lễ là một đào hát, lấy một kép hát bội là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc vương sinh ra Nhật Lễ. Nay lên làm vua, Nhật Lễ muốn cải họ Dương để dứt ngôi nhà Trần rồi giết bà Hoàng thái hậu cùng Cung Định Vương. Cung Tĩnh vương vốn nhu nhược thấy thể bỏ trốn lên mạn Đà Giang.

Trước tình hình nội chính rối ren, các tôn thất nhà Trần hội nhau khởi binh về bắt giết Nhật Lễ rồi rước Cung Tĩnh vương về làm vua, tức vua Trần Nghệ Tông.


Các niên hiệu trong thời gian vua Trần Dụ Tông trị vì là Thiệu Phong (1341-1357), Đại Trị (1358-1369).


Trần Nghệ Tông
Trần Nghệ Tông (1321-1394) là vua thứ 8 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Phủ, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam.
Trần Nghệ Tông sinh năm 1321, là con thứ ba của Trần Minh Tông, em vua Trần Hiến Tông, anh vua Trần Dụ Tông. Mẹ ông là Lê Thái phi.
Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ. Theo sử sách, Nhật Lễ vốn không phải là con đẻ của Dụ Tông mà mẹ Lễ là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, đã mang thai Lễ trước khi làm vợ vua Dụ Tông.

Nhật Lễ làm vua nhưng bỏ bễ công việc, ham chơi, rượu chè, lại giết bà nội là mẹ Dụ Tông vì bà hối hận việc lập Nhật Lễ. Lễ còn định đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình.

Đêm ngày 20 tháng 9 năm 1370, cha con thái tể Nguyên Trác, Nguyên Tiết và hai người con của công chúa Thiên Ninh[1] đem người tôn thất vào thành định giết Nhật Lễ. Nhật Lễ trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Nhật Lễ vào cung, chia người đi bắt Nguyên Trác cùng 17 người chủ mưu và đều bị hại.

Trần Phủ vì có con gái làm hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại[2], phủ Thanh Hóa để dấy quân. Trần Kính giúp ông đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.

Khi ấy, Nhật Lễ chuyên dùng thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với Trần Phủ. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Trần Phủ đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về. Do đó quân của Trần Phủ, Trần Kính mạnh thêm.

Tháng 11, Trần Phủ cùng Trần Kính và Thiên Ninh công chúa dẫn quân về kinh lật đổ Nhật Lễ, giáng làm Hôn Đức Công rồi giết chết, lại giết nốt con của Lễ. Trần Phủ lên ngôi, tức là Trần Nghệ Tông.


Trần Duệ Tông
Trần Duệ Tông (1337-1377) là vua thứ 9 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Kính, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam.
Trần Duệ Tông sinh ngày 2 tháng 6 năm 1337. Ông là con thứ mười một của Trần Minh Tông, em vua Trần Nghệ Tông. Mẹ ông là Đôn Từ Hoàng Thái phi.
Năm 1369, Trần Dụ Tông mất, truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ. Theo sử sách, Nhật Lễ vốn không phải là con đẻ của Dụ Tông mà mẹ Lễ là đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, đã mang thai Lễ trước khi làm vợ vua Dụ Tông.

Nhật Lễ làm vua nhưng bỏ bễ công việc, ham chơi, rượu chè, lại giết bà nội là mẹ Dụ Tông vì bà hối hận việc lập Nhật Lễ. Lễ còn định đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình.

Năm 1370, các hoàng tử, thân tộc nhà Trần mưu khởi binh lật đổ Nhật Lễ. Trần Kính giúp anh là Trần Phủ đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội. Ông cùng Trần Phủ thực hiện đảo chính lật đổ giết chết Nhật Lễ. Trần Phủ lên ngôi, tức là Trần Nghệ Tông.

Noi gương đời trước của nhà Trần thường giữ chế độ vua và thái thượng hoàng cùng trị nước, năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho ông lên làm thượng hoàng. Đây là trường hợp đầu tiên thượng hoàng chỉ là anh của vua trong lịch sử Việt Nam. Trần Kính lên ngôi, tức là Trần Duệ Tông.

Trần Duệ Tông tiếp tục đường lối của cha ông, liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Sử cũ chép: “Ất Mão (năm 1375),... xuống chiếu chọn các quan viên, người nào có tài năng, luyện tập nghề võ, thông hiểu thao lược, thì không cứ là tôn thất đều làm tướng coi quân, đồng thời cho ra khỏi quân ngũ những người lính già cả, ốm yếu, bệnh tật..."

Ông đã tổ chức thi Đình tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Những nho sĩ thời đó như Đào Sư Tích (Trạng nguyên), Lê Hiến Phủ (Bảng nhãn), Trần Đình Thám (Thám hoa)... đều xuất thân từ bình dân, không trong hàng ngũ hoàng tộc. Vua rất coi trọng nho sỹ, coi đó là đại diện văn hiến nước nhà, nên cho ăn yến, áo xấp, tước phẩm...

Trần Duệ Tông còn rất chú trọng đề cao ý thức dân tộc. Ông hạ lệnh cho quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc và không được bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào. Vừa bảo vệ được thuần phong mỹ tục, vừa biểu hiện ý thức tự lập, tự cường, ông còn quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán, nghi, trượng và y phục.


Trần Phế Đế
Trần Phế Đế (1361-1388) là vua (1377-1388) thứ 10 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Hiện, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam.
Trần Phế Đế là con trưởng của vua Trần Duệ Tông, có tên húy là Hiện (hay Nghiễn), mẹ là bà Gia Huệ hoàng hậu Lê Thị. Ông sinh ngày mồng 6 tháng 3 năm Đại Trị thứ 4 đời Trần Dụ Tông, tức năm Tân Sửu (1361).
Sau khi vua cha Duệ Tông tử trận ở Chiêm Thành, Trần Hiện được bác là thượng hoàng Nghệ Tông đưa lên ngôi. Khi lên nối ngôi, ông mới 16 tuổi, mọi quyền hành vẫn do Thượng hoàng Trần Nghệ Tông nắm giữ.

Vua nước Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhân đà thắng lợi liên tục tiến đánh và cướp phá Đại Việt. Năm Mậu Ngọ (1378), Chế Bồng Nga lại sang đánh Nghệ An, rồi theo sông Đại Hoàng cướp phá Thăng Long một lần nữa.

Đến năm Canh Thân(1380) rồi năm Nhâm Tuất (1382) quân Chiêm lại tiến quân vào Đại Việt song bị đánh lui. Đến tháng 6 năm Quý Hợi (1383), Chiêm Thành lại đem quân đánh Đại Việt. Thượng hoàng Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn ra giữ ở Tam Kì nhưng Mật Ôn thua trận bị bắt sống. Nghệ Tông lại sai Nguyễn Đa Phương trấn thủ kinh thành còn mình và Phế Đế chạy sang Đông Ngàn. Có người khuyên thượng hoàng ở lại kinh thành chống giặc nhưng ông này sợ hãi không nghe. Quân Chiêm lại tàn phá Thăng Long, khi giặc rút, hai ông vua này cũng chẳng lo việc phòng bị mà chỉ lo mang của cải đi giấu. Đén tháng 12 năm Quý Hợi (1388) quân Chiêm rút về, thượng hoàng mới trở lại kinh sư.

Sử sách chép lại rằng Phế Đế cho quân tải tiền đồng cất dấu vào núi Thiên Kiện (hay là núi Địa Cận) ở Hà Nam và chùa Khả Lãng,Lạng Sơn đề phòng bị Chăm pa cướp.

Năm Tân Dậu (1381) Phế Đế mở khoa thi thái học sinh, song từ đó lại lựa chọn những người khỏe mạn để gia nhập quân đội, việc làm kì quặc này không chỉ đi ngược với tiền triều mà còn làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ.

Nghe lời Đỗ Tử Bình, triều đình tiếp tục cho tăng sưu thế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế khiến cho nhân dân ngày càng cực khổ. Mặt khác, ở phương Bắc, nhà Minh cũng dòm ngó Đại Việt, Minh Thái Tổ đòi Đại Việt cấp 5000 thạch lương cho quân Minh ở Vân Nam. Nhà Trần phải biện bạch là đã sai chuyển vận sứ đem đi, nhưng vì lam chướng nhiều người bị chết nên thất thoát. Tháng 3 năm Ất Sửu (1385) nước Minh lại đòi cống nạp tăng nhân, do người phương Nam có tài dựng đạo tràng. Người Minh còn đòi cống nạp các loại quả như vải, nhãn, mít... và còn đòi cấp 50 con voi, mượn đường đánh Chiêm Thành.


Trần Thuận Tông
Trần Thuận Tông (1388-1398) là vua thứ 11 nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên thật là Trần Ngung, người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam.
Thuận Tông là con út của thượng hoàng Trần Nghệ Tông, khi còn nhỏ được phong là Chiêu Định Vương, lên làm vua khi mới 11 tuổi, lập con gái trưởng của Hồ Quý Ly là Khâm Thánh làm hoàng hậu.
Vua cha Nghệ Tông tin dùng Hồ Quý Ly. Mọi việc trong triều do Nghệ Tông sắp đặt nhưng phần nhiều theo lời Quý Ly.

Trước em họ Trần Ngung là Trần Phế Đế được thượng hoàng lập làm vua, nhưng do Phế Đế muốn trừ Quý Ly, Quý Ly xui thượng hoàng phế bỏ. Do đó thượng hoàng nghe theo, phế và giết Phế Đế, lập ông lên ngôi.

Hồ Quý Ly tiếp tục chuyên quyền, sau khi gả con gái là Thánh Ngẫu cho ông lại gài tay chân thân tín nẵm giữ những chức vụ then chốt trong quân đội và trong triều đình, khiến cho lòng dân hoang mang bất phục. Người ở Thanh Hoá theo Nguyễn Thanh làm loạn, người ở Nông Cống là Nguyễn Kỵ cũng tụ họp bè đảng đi cướp. Đáng chú ý nhất là nhà sư Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai, Sơn Tây đã khởi binh tiến đánh kinh sư khiến cho Thượng hoàng và Thuận Tông cùng triều đình bỏ chạy lên Bắc Giang. Phạm Sư Ôn giữ kinh đô 3 ngày rồi rút về Quốc Oai, sau bị tướng Hoàng Phùng Thế đánh, bắt được.

Năm 1389 Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt, vua sai Quý Ly và Nguyễn Đa Phương đi đánh nhưng đánh không thắng.

Năm 1390 tướng Trần Khát Chân được vua sai đi đánh Chiêm, đem binh đóng ở Hải Triều (vùng Hưng Nhân,Thái Bình và Tiên Lữ, Hưng Yên). Chế Bồng Nga đi thị sát trận địa, hàng tướng của Chiêm Thành cho Khát Chân biết dấu hiệu thuyền của Chế Bồng Nga, Chân cho quân tập trung mọi loại vũ khí bắn vào thuyền đó, giết được Chế Bồng Nga, quân Chiêm đại bại, hai người con của Chế Bồng Nga về hàng quân Trần, được vua Trần trọng dụng.

Họa xâm lấn của Chiêm Thành tạm yên, Hồ Quý Ly càng lộng hành, những người không ăn cánh đều bị Quý Ly xúi bẩy thượng hoàng giết hại, trong đó có nhiều hoàng tử thân vương. Sĩ phu có người dâng sớ tâu với Thưọng hoàng mưu đồ dòm ngó cơ nghiệp nhà Trần của Quý Ly thì Nghệ Tông lại đem cho Quý Ly xem, từ đó không ai dám tâu bày gì nữa.

Đến ngày 15 tháng 12 năm 1394, Nghệ Tông mất, Quý Ly lên làm Nhập nội phụ chính Thái sư bình chương quân quốc trọng sự. Tuyên trung vệ quốc đại vương, đeo lân phù vàng.


Trần Thiếu Đế
Trần Thiếu Đế là vua thứ 12 và là vua cuối cùng của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, tên húy là An[1] người hương Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, Việt Nam.
Trần Thiếu Đế là con trưởng của vua Trần Thuận Tông, mẹ là Thánh Ngẫu (con gái của Hồ Quý Ly). Trần Thiếu Đế sinh năm 1396, lên ngôi tháng 3 năm Mậu Dần (1398) lúc mới chỉ có 2 tuôi, thậm chí còn chưa biết lạy.

Hồ Quý Ly thao túng triều đình nhà Trần, sau khi phế truất Thuận Tông, đưa Thiếu Đế lên ngôi nhằm từng bước đoạt ngôi của nhà Trần. Thiếu Đế tuy gọi là vua nhưng chỉ là hư vị.
Bà Thánh Ngẫu, mẹ của vua Thiếu Đế, là con gái Hồ Quý Ly, vì thế Quý Ly là ông ngoại của Thiếu Đế. Sau khi Thiếu Đế lên ngôi, Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại vương. Quý Ly cũng đem giết chết 370 người đã mưu mô giết Quý Ly, trong đó có thái bảo Trần Nguyên Hãn và thượng tướng Trần Khát Chân.

Ngay trong khi Thiếu Đế đang ở ngôi, năm 1399, Quý Ly tự xưng là Quốc tổ Chương hoàng đế ra vào dùng 12 lọng vàng; con thứ là Hán Thương xưng Nhiếp Thái phó, con cả là Hồ Nguyên Trừng làm tư đồ.

Tình hình Đại Việt lúc này càng thêm hỗn độn, giặc cướp Nguyễn Nhữ Cái nổi lên có hàng vạn người, cướp boc bừa bãi, khiến triều đình bó tay, mãi 4 tháng sau An phủ sứ Đông lộ Nguyễn Bằng Cử ra quân đánh dẹp mới yên.

Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (1400), vua Thiếu Đế bị ép nhường ngôi. Hồ Quý Ly sai tông thất nhà Trần và quần thần phải 3 lần dâng biểu khuyên mới chịu nhận làm vua. Quý Ly lên ngôi đặt niên hiệu Thánh Nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, lại đổi lại họ cũ của mình là họ Lê thành họ Hồ (xem chú thích trong Trần Thuận Tông).

Thiếu Đế bị phế nhưng vì là cháu của Hồ Quý Ly nên không bị giết, chỉ bị giáng xuống làm Bảo Ninh Đại vương. Triều Trần mất.

Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt

Khái quát


Năm 1226, dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, nữ hoàng nhà LýLý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tức là vua Trần Thái Tông. Nhà Trần chính thức thay nhà Lý.

Sau khi chính thức nắm quyền cai trị, nhà Trần ra sức củng cố nội chính và chấm dứt nạn cát cứ từ cuối thời Lý. Tới năm 1229, sau khi Nguyễn Nộn ốm chết, các lực lượng chống đối cơ bản bị dẹp.

Trong khi đó ở phương bắc, Trung Quốc từ lâu đã bị chia cắt. Nhà Tống phải rút xuống phía nam trước sự xâm lấn của nước Kim của người Nữ Chân. Phía tây bị nước Tây Hạ chia cắt. Tới đầu thế kỷ 13, người Mông Cổ ở phía bắc nước Kim thống nhất dưới quyền Thành Cát Tư Hãn, trở nên lớn mạnh. Mông Cổ đánh xuống phía nam, tiêu diệt Tây Hạ (1227) và Kim (1234). Mặc dù đã mở rộng bờ cõi bao la sang phía tây, diệt nhiều nước Tây Á và đánh sang châu Âu, người Mông Cổ tiếp tục tiến xuống phía nam để tiêu diệt Nam Tống.

Năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam ngày nay), muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế "gọng kìm" bao vây Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Đại Việt đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để lên đất Tống. Nhưng các vua Trần không những từ chối lại còn cho bắt giam các nhà ngoại giao Mông Cổ. Chiến tranh nổ ra vào năm 1258 khi Uriyangqatai cùng con trai là Aju đem 3 vạn quân Mông Cổ và 1,5 vạn quân Đại Lý tấn công Việt Nam. Quân Mông Cổ mau chóng giành được thắng lợi, chiếm được kinh đô Thăng Long, nhưng rồi cũng mau chóng bị quân Đại Việt đánh bật. Cuộc chiến năm 1258 chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, cuối tháng 1 năm 1258.

Hai mươi năm sau, không cần đi đường qua Đại Việt, Mông Cổ vẫn đánh bại được nước Tống. Đế quốc Nguyên được thành lập trên lãnh thổ Mông Cổ và Trung Quốc ngày nay. Đế quốc này tìm cách mở rộng lãnh thổ của mình ra phía Đông tới Nhật Bản, và xuống phía Nam. Để thực hiện ý đồ tiến xuống phía Nam, nhà Nguyên đã tiến hành chiến tranh với Chiêm ThànhMyanma trước. Nhưng quân và dân Chiêm Thành đã kháng chiến thắng lợi, khiến cho quân Nguyên không thực hiện được ý đồ lấy Chiêm Thành làm bàn đạp. Ở Myanma năm 1277, quân Mông Cổ cũng chịu những thiệt hại quân sự và phải rút lui. Đại Việt trở thành nơi phải bị khuất phục để quân Mông Cổ có thể tiếp tục chiến lược hướng Nam. Dưới chiêu bài đề nghị nhà Trần mở đường cho đại quân Nguyên đi qua chinh phạt Chiêm Thành, quân Nguyên tìm cách tấn công Đại Việt.


Lần thứ nhất


Lần thứ nhất Mông Cổ tấn công Đại Việt là vào tháng 1 năm 1258. Từ Đại Lý (nay là Vân Nam, Trung Quốc). Uriyangqadai dẫn quân Mông Cổ và Đại Lý dọc theo sông Hồng vào Đại Việt. Đích thân Trần Thái TôngTrần Thánh Tông dẫn quân lên nghênh địch tại Bình Lệ Nguyên (nay là khoảng Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Quân Mông Cổ dễ dàng đánh tan quân Đại Việt, nhưng đã không thành công trong việc bắt các vua Trần. Trận tiếp theo diễn ra tại Phù Lỗ (bên sông Cà Lồ). Quân Đại Việt lại bị đánh bại. Triều đình nhà Trần phải sơ tán khỏi kinh đô. Quân Nguyên dù chiếm được Thăng Long, nhưng gặp phải khó khăn về lương thực.

Chỉ 10 ngày sau khi rút khỏi Thăng Long, hai vua Trần lại dẫn quân phản công, đánh thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu (nay là khoảng quận Ba Đình, Hà Nội). Quân Mông Cổ lập tức bỏ thành Thăng Long rút lui về nước, cũng bằng con đường dọc theo sông Hồng. Trên đường rút lui, quân Mông Cổ đã bị lực lượng các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc do Hà Bổng chỉ huy tập kích.

Toàn bộ cuộc chiến lần thứ nhất chỉ diễn ra trong vòng khoảng nửa tháng, với chỉ khoảng 3-4 trận đánh lớn. Sau thất bại tại Đại Việt, quân Mông Cổ phải tìm đường khác để tấn công Tống từ phía Nam.


Lần thứ hai


27 năm sau, Hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt ra lệnh chinh phạt Đại Việt. Cuộc chiến lần này kéo dài khoảng 4 tháng từ cuối tháng Chạp năm Giáp Thân đến cuối tháng Tư năm Ất Dậu (cuối tháng 1 đến cuối tháng 5 năm 1285 dương lịch). Lần này, quân Nguyên chuẩn bị chiến tranh tốt hơn, huy động lực lượng lớn hơn. Ngoài lục quân từ phía Bắc tiến xuống, còn có thủy quân từ mặt trận Chiêm Thành ở phía Nam chuyển sang.

Cũng tương tự như lần thứ nhất, quân Nguyên mau chóng giành thắng lợi. Quân Đại Việt liên tục bị đánh bại ở các mặt trận Lạng Sơn, Sơn Động, Vạn Kiếp, Thu Vật (Yên Bình), sông Đuống. Từ phía Bắc, chỉ khoảng 20 ngày sau khi vượt qua biên giới, quân Nguyên đã chiếm được thành Thăng Long. Triều đình nhà Trần rút lui theo sông Hồng về Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình), chịu sự truy kích ráo riết của quân Nguyên. Mọi nỗ lực phản kích của các vua Trần dọc theo sông Hồng đều bị quân Nguyên đánh bại. Từ phía Nam, Sogetu dẫn quân từ Chiêm Thành lên dễ dàng đánh tan quân Đại Việt tại vùng Nghệ An-Thanh Hóa. Bị ép cả trước lẫn sau, các vua Trần phải rút ra biển lên vùng Quảng Ninh, đợi đến khi cánh quân Nguyên phía Nam đi qua Thanh Hóa mới lui về Thanh Hóa.

Cũng giống như lần trước, quân Nguyên lại gặp khó khăn về lương thực. Trong khi đó, quân Đại Việt đã nhanh chóng chấn chỉnh đội ngũ. Khoảng gần 2 tháng sau khi rút về Thanh Hóa, Đại Việt phản công. Dọc theo sông Hồng, quân Đại Việt lần lượt giành thắng lợi tại cửa Hàm Tử (nay ở Khoái Châu, Hưng Yên), bến Chương Dương (nay ở Thượng Phúc, thuộc Thường Tín, Hà Nội), giải phóng Thăng Long.

Cánh quân phía Bắc của quân Nguyên trên đường rút chạy đã bị tập kích tại sông Cầu, tại Vạn Kiếp, Vĩnh Bình. Cánh quân rút về Vân Nam bị tập kích tại Phù Ninh. Cánh quân phía Nam bị tiêu diệt hoàn toàn tại Tây Kết (Khoái Châu).


Lần thứ ba


Ngay sau khi bại trận về nước năm 1285, quân Nguyên chỉnh đốn quân ngũ, bổ sung lực lượng, đóng tàu chiến, huy động lương thực để trở lại đánh Đại Việt lần thứ ba. Cuộc chiến lần này kéo dài khoảng gần 4 tháng, từ cuối tháng 12 năm 1287 đến cuối tháng 4 năm 1288. Quân Nguyên chia làm 3 cánh vào Đại Việt từ Vân Nam, từ Quảng Tây và từ Quảng Đông (theo đường biển) vào Đại Việt.

Giống như 2 lần trước, quân Nguyên mau chóng đánh tan quân Đại Việt cả trên bộ lẫn trên biển, nhưng lại chịu một tổn thất quan trọng, đó là lương thực chuyên chở bằng tàu biển bị mất hết vì bị các đơn vị của Trần Khánh Dư tấn công ở Vân Đồn, vì bão biển, vì đi lạc. Quân Nguyên tập trung ở Vạn Kiếp và đánh rộng ra xung quanh, chiếm được Thăng Long, nhưng lại bị đói giống như hai lần trước.

Khác với 2 lần trước, lần nay quân Đại Việt không huy động lực lượng lớn chặn đánh quân Nguyên từ đầu, mà chỉ đánh có tính kìm chân. Bộ chỉ huy và phần lớn lực lượng Đại Việt rút về vùng Đồ Sơn, Hải Phòng, từ đó tổ chức các cuộc tấn công vào căn cứ Vạn Kiếp và đánh thủy quân Nguyên.

Đói và có nguy cơ bị đối phương chia cắt, quân Nguyên bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp, rồi chủ động rút lui dù quân Đại Việt chưa phản công lớn. Cánh thủy quân của Nguyên đã bị tiêu diệt hoàn toàn tại sông Bạch Đằng khi định rút ra biển. Các cánh lục quân Nguyên khi đia qua Bắc Giang và Lạng Sơn đã bị quân Đại Việt tấn công dữ dội.


Chấm dứt chiến tranh

Sau thất bại lần thứ ba năm 1288 ở Đại Việt, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vẫn chưa muốn đình chiến. Sang các năm sau, vua Nguyên tiếp tục muốn điều binh sang nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện. Có năm sắp tiến quân thì chánh tướng chết nên hoãn binh, năm sau định đánh thì phó tướng lại chết nên lại đình chỉ việc tiến quân. Tới năm 1294 lại định điều binh lần nữa thì chính Hốt Tất Liệt băng hà. Cháu nội là Nguyên Thành Tông lên ngôi không muốn gây chiến với Đại Việt nữa. Việc chiến tranh với nhà Nguyên từ đó mới chấm dứt

Về số quân Nguyên


Sử sách Việt Nam và Trung Quốc nêu số quân Nguyên không thống nhất. Lần đầu, Nguyên sử chỉ nêu vài ngàn quân; sau này các nhà nghiên cứu cho rằng số quân Nguyên năm 1257 khoảng 3 vạn[1]. Nhà sử học Ba Tư là Said ud Zin cho biết quân Mông đến Vân Nam có 3 vạn nhưng trước khi đến Ngạc châu gặp Hốt Tất Liệt thì số quân chỉ còn lại 5000 người[2].

Lần thứ hai, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép quân Nguyên có 50 vạn và khi rút về chỉ còn 5 vạn. Nguyên Sử chép rằng chỉ có 30 vạn nếu tính luôn cả dân phu là những người không tham gia chiến đấu. Con số 30 vạn được các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng phù hợp. Tuy nhiên, về số trở về nước, chắc chắn nhiều hơn 5 vạn, vì từ tháng 6 âm lịch năm 1285, Thoát Hoan rút chạy về, tới tháng 8 đã được lệnh chuẩn bị sang lần nữa. Như vậy số quân còn lại cũng tương đối nhiều, gần với số cần thiết mang đi viễn chinh lần nữa[3]. Theo 1 số tác giả thì quân Đại Việt lần này có 30 vạn người.[4]

Lần thứ 3, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi số quân là 50 vạn, trong khi Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục lại cho rằng như vậy quá nhiều, chỉ có khoảng hơn 9 vạn là số quân bổ sung. Các nhà nghiên cứu xác định rằng quân Nguyên lần này cũng có khoảng 30 vạn như lần thứ hai, còn quân Trần có tổng số khoảng 20 vạn[5].


Nguyên nhân thắng lợi


Nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo. Dù trong hoàng tộc nhà Trần có những người phản bội theo nhà Nguyên nhưng nước Đại Việt không bị mất, nhờ sự ủng hộ của đông đảo dân chúng[6].

Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước - và bảo vệ quyền lợi dòng tộc - số lớn là những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai: Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản...[7].

Theo các nhà nghiên cứu, chiến thắng của nhà Trần có được nhờ vào sự sáng suốt của các tướng lĩnh trong chiến thuật, đứng đầu là Trần Hưng Đạo. Trong khi tác chiến, các tướng lĩnh nhà Trần chủ động tránh lực lượng hùng hậu người Mông mà đánh vào các đạo quân người Hán bị cưỡng bức theo quân Mông sang Đại Việt. Tâm lý của những người mất nước và phải chịu sự quản thúc của người Mông khiến các đạo quân này nhanh chóng tan rã, sức kháng cự thấp. Một cánh quân tan rã có tác động tâm lý lớn tới các đạo quân còn lại trên toàn mặt trận[8].

Mông-Nguyên đương thời là đế quốc lớn nhất thế giới. Những nơi người Mông bại trận lúc đó như Ai Cập quá xa xôi, Nhật BảnNam Dương đều có biển cả ngăn cách và quân Mông cũng không có sở trường đánh thủy quân nên mới bị thua trận. Thế nhưng nước Đại Việt lúc đó nằm liền kề trên đại lục Đông Á, chung đường biên giới cả ngàn dặm với người Mông mà người Mông vẫn không đánh chiếm được. Một đế quốc đã nằm trùm cả đại lục Á - Âu mà không lấy nổi một dải đất bé nhỏ ở phía nam. Có so sánh tương quan lực lượng với kẻ địch và vị trí địa lý với những quốc gia làm được điều tương tự mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi Mông-Nguyên của nhà Trần. Mặc dù vậy, nước Ấn ĐộBagan của Myanma, rồi chưa kể các nước Châu Âu cũng từng thắng Mông Cổ như năm 1241.

Theo giáo sư Đào Duy Anh thì có 3 nhược điểm khiến quân Mông Nguyên thất bại ở Đại Việt[9]:

  1. Người Mông Cổ đi đánh xa, chỉ mong cướp bóc nuôi quân, nếu không được thì dễ bị khốn vì thiếu lương.
  2. Quân Mông Nguyên là người phương bắc, không hợp thuỷ thổ.
  3. Đại đa số quân lính là người Trung Hoa bị chinh phục, tinh thần chiến đấu không có, gặp khó khăn là chán nản.

Chiến công của nhà Trần nhìn chung được nhiều thế hệ nhân dân ca ngợi qua các thần tích, vè và những lời truyền tụng trong dân gian. Sang thế kỷ 20, Trần Trọng Kim và Phan Kế Bính cũng ca tụng nhiều về chiến thắng đó[10].

Sách Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ ca ngợi chiến công đánh quân Nguyên, nhưng chê trách việc dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan là hạ sách[11].

Riêng Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của nhà Nguyễn, Tự Đức không khen ngợi, cho rằng nhà Trần gặp may vì các tướng Nguyên sang Đại Việt đều không giỏi. Trần Xuân Sinh trong Thuyết Trần phản bác quan điểm này và cho rằng những lời bình luận đó là "ngớ ngẩn"[12]:

Nguyên chúa Hốt Tất Liệt anh hùng, rất giỏi quân sự, đâu có sai đi nam chinh những đồ vô dụng. Quân Mông Cổ hùng mạnh, đã thắng quân ta ở Lạng Sơn, Nội Bàng và Vạn Kiếp, chiếm đóng kinh thành Thăng Long, lại thắng lớn ở ngoài khơi Quảng Yên... thế rất lớn, nhiều nơi lâm nguy... Vua quan triều Nguyễn đã làm lệch lạc lịch sử. Các tướng nhà Nguyên không phải không giỏi,... thua chỉ vì gặp các tướng nhà Trần giỏi hơn mà thôi.

NHÀ LÝ

NHÀ LÝ (1010-1225)
- Lý Thái Tổ ( 1010-1028 )
Lý Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, nay thuộc về huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ( ở làng Đình Bảng có lăng và đền thờ nhà Lý )
- Lý Thái Tông ( 1028-1054 )
Thái tử Phật Mã lên ngôi, tức là vua Thái Tông.
- Lý Thánh Tông ( 1054-1072 )
Thái tử Nhật Tôn lên ngôi, tức là vua Thánh Tông.
- Lý Nhân Tông ( 1072-1127)
Thái tử Càn Đức lên ngôi tức vua Nhân Tông.
- Lý Thần Tông ( 1128-1138 )
Nhân Tông không có con, lập con của hoàng đệ là Sùng Hiền Hầu lên làm thái tử, nay nối ngôi, tức là vua Thần Tông.
- Lý Anh Tông ( 1138-1175 )
Thần Tông mất, triều đình tôn Thái tử là Thiên Tộ lên làm vua, tức là vua Anh Tông.
- Lý Cao Tông ( 1176-1210 )
Khi vua Anh Tông mất, Thái tử Long Cán chưa đầy 3 tuổi lên làm vua, tức là vua Cao Tông.
- Lý Huệ Tông ( 1211-1225 )
Thái tử Sam lên ngôi, tức là vua Huệ Tông.
Huệ Tông có bệnh mãi mà không khỏi, mà Thái tử thì chưa có, Trần Thị chỉ sinh được hai người con gái, người chị là Thuận Thiên công chúa thì đã gã cho Trần Liễu là con trưởng của Trần Thừa; còn người em là Chiêu Thánh công chúa tên là Phật Kim thì mới lên 7 tuổi, Huệ Tông yêu mến lắm, cho nên mới lập làm Thái tử. Tháng 10 năm Giáp Thân ( 1224 ) Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh công chúa, rồi vào ở chùa Chân Giáo.
- Lý Chiêu Hoàng ( 1225 )
Chiêu Thánh công chúa lên ngôi, tức là vua Chiêu Hoàng. Bấy giờ quyền chính ở cả Trần Thủ Độ. Thủ Độ lại tư thông với Trần Thái hậu, đêm ngày tìm mưu lấy cơ nghiệp nhà Lý, bèn đòi con các quan vào trong cung để hầu Chiêu Hoàng và lại cho cháu là Trần Cảnh vào làm chức Chính thủ. Đến tháng chạp thì Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và truyền ngôi cho chồng.
Nhà Lý đến đây là hế, cả thảy làm vua được 216 năm, truyền ngôi được 9 đời.