Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Sự tích 14 ngôi sao đỏ trên chiếc MiG21

Người sĩ quan Bảo tàng Quân đội thuyết minh rằng cứ một ngôi sao đỏ trên thân máy bay là tương ứng với một chiến công do chiếc MiG 21 này của không quân ta thực hiện: Bắn hạ 1 chiếc máy bay Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc...


Trước tiền sảnh Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hằng ngày người qua lại trên đường Điện Biên Phủ và khách đến tham quan bảo tàng đều diện kiến chiếc chiến đấu cơ tiêm kích MiG 21 mang số hiệu 4324 với 14 ngôi sao đỏ, trên bệ trưng bày hiện vật - một trong những vật chứng đặc biệt về chiến tích của Không quân nhân dân Việt Nam. Sự tích kỳ diệu của những ngôi sao đỏ chiến công ấy như thế nào? Nhân Kỷ niệm 66 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, xin cùng bạn đọc tìm hiểu điều thú vị này.

Sự xuất hiện chiếc tiêm kích lặng lẽ trên đường phố Hà Nội trong đêm

Vào một đêm mùa đông đầu tháng 12-1974 khi người Hà Nội đang yên giấc sau một ngày lao động, chiến đấu trên các đường phố Thủ đô chỉ còn các tốp chiến sĩ cảnh sát tuần tra đêm, bỗng có một chiếc tiêm kích MiG 21 sáng màu ánh bạc - đã tháo đôi cánh - từ sân bay Bạch Mai trườn trên mặt đất ra đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) lặng lẽ tiếp tục lăn đôi bánh lốp, cơ động sang đường Điện Biên Phủ, rồi ngoặt vào sân sau Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Ngay ngày hôm sau chiếc máy bay này đã được Bảo tàng Quân đội ghi vào danh mục hiện vật lưu giữ đặc biệt mang số BTQĐ 5800K/4324 và các nhân viên kỹ thuật đã lắp đôi cánh vào thân máy bay hoàn chỉnh.

Điều hấp dẫn sự “tò mò” của du khách là trên thân phía đầu chiếc MiG 21/4324 người ta thấy có 14 ngôi sao đỏ in đậm rực rỡ thành 3 hàng. Người sĩ quan Bảo tàng Quân đội thuyết minh rằng cứ một ngôi sao đỏ trên thân máy bay là tương ứng với một chiến công do chiếc MiG 21 này của không quân ta thực hiện: Bắn hạ 1 chiếc máy bay Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc năm 1967. Và, cứ mỗi phi công bắn rơi 1 máy bay Mỹ, được Bác Hồ thưởng một Huy hiệu mang chân dung Người.




Phi công Nguyễn Văn Cốc báo công với
Bác Hồ năm 1967, Người nói: “Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa”


Ngược dòng thời gian, giở lại lịch sử hồ sơ tư liệu từ hơn 40 năm trước lưu giữ tại Bảo tàng Không quân, Bảo tàng Quân đội; qua tiếp xúc với Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Uy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, nguyên Chánh thanh tra quân đội - là hai trong số các phi công đã từng trực tiếp lái chiếc 4324 này - mỗi người đã hạ hai máy bay Mỹ - góp chiến công tạo nên 4 ngôi sao đỏ trong 14 ngôi sao rực rỡ kia trên thân máy bay - luôn tồn tại với thời gian; nay đã thành những nhân chứng lịch sử gắn liền với sự kiện đặc biệt này.

Đúng vào ngày kỷ niệm 34 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1964, với Quyết định số 18/QĐ của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đầu tiên thuộc sư đoàn không quân 371 của không quân nhân dân Việt Nam ra đời. Tuy với tuổi quân còn rất trẻ, nhưng lực lượng không quân ta đã lập nên những chiến công chói lọi đáng tự hào - bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ với 19 chủng loại, gồm có cả pháo đài bay chiến lược B52 - con át chủ bài - niềm hy vọng lớn nhất của không lực Hoa Kỳ trong mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc hòng đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Trong đó có chiến công của chiếc MiG 21 mang số hiệu truyền thống 4324 góp phần. Chỉ trong năm 1967, với 9 phi công của Trung đoàn không quân MiG 21 921 thay nhau trực chiến đã lần lượt xuất kích 69 lần, đối mặt với không quân Mỹ 22 lần, thực hiện 16 trận không chiến. Với 25 quả tên lửa không đối không, đã bắn tan xác 14 phản lực cơ của Mỹ gồm cả các loại Thần sấm, Con ma, Chim ưng nhà trời, trinh sát điện tử... mà vẫn bảo đảm an toàn cả máy bay và phi công.



Chiếc tiêm kích MIG21/4324 với 14 ngôi sao đỏ

Không chiến - những chiến tích ngoạn mục

Đó là trận chiến thắng khởi đầu vào lúc 10 giờ 29 phút ngày 30-4-1967, phi công Lê Trọng Huyền mở đầu trận không chiến bắn rơi chiếc F105 (đầu tiên) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái; anh cũng là phi công được ghi ngôi sao đỏ thứ nhất trên chiếc MiG21/4324. Tiếp theo ngày 4-5, phi công Phạm Thanh Ngân giáp trận không chiến thứ hai trong mấy phút đã hạ chiếc F105 (thứ 2) trên vùng trời Tam Đảo - Vĩnh Phúc, là người được ghi ngôi sao đỏ thứ hai trên chiếc tiêm kích này. Ngay ngày hôm sau 5-5 phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ chiếc F4 (thứ 3) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái. Ngày 5-6 phi công Nguyễn Văn Lý hạ chiếc F105 (thứ 4) trên vùng trời tỉnh Tuyên Quang. Ngày 5-7 phi công Nguyễn Văn Huyên hạ chiếc A4 (thứ 5) trên vùng trời tỉnh Hải Dương - là người được ghi ngôi sao đỏ thứ năm (hàng thứ nhất) trên thân MiG21/4324. Rồi chiến công nối tiếp chiến công, ngày 10-9 phi công Nguyễn Hồng Nhị hạ chiếc RF101 (thứ 6) loại trinh sát điện tử hiện đại nhất của Mỹ lúc đó - nó bị tan xác trên vùng trời Mộc Châu - Sơn La. Đến lúc này trên thân MiG21/4324 đã có 6 ngôi sao đỏ được ghi và 6 phi công được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người.

Trên trang vàng chiến tích không quân Việt Nam nối tiếp ghi nhận trong 2 tháng cuối năm 1967 là thời kỳ chiếc tiêm kích MiG21/4324 lập nên nhiều chiến công dồn dập hơn hẳn trong 6 tháng trước đó của năm này. Đó là đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/1967) hai phi công Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Văn Ngự lần lượt thay nhau lái chiếc tiêm kích này xuất kích không chiến đánh hạ chiếc F4 (thứ 7) và chiếc F05 (thứ 8) trên vùng trời Hà Bắc và Yên Bái.

Cũng trong tháng 11-1967 phi công Phạm Thanh Ngân lại lập chiến công lần thứ hai khi lái chiếc MiG21/4324 hạ chiếc F105 (thứ 9) trên vùng trời Phú Thọ ngày 18-11. Tiếp theo sau đó 2 ngày, phi công Nguyễn Văn Cốc cũng với chiếc tiêm kích này đã hạ chiếc F105 (thứ 10) trên vùng trời Vĩnh Phú, và là người được ghi ngôi sao đỏ thứ mười (hàng thứ hai) trên thân én bạc. Sau trận không chiến đó, anh cùng với đồng đội trong Trung đoàn không quân 921 được đến báo công với Bác Hồ, Người rất vui chúc không quân ta có nhiều phi công bắn rơi máy bay Mỹ như chú Cốc, Bác mong không quân ta có nhiều Cốc để Bác thưởng Huy hiệu.

Càng thua nặng ở chiến trường miền Nam, không quân Mỹ như con bạc khát nước càng gia tăng cường độ xuất kích leo thang ra đánh phá miền Bắc, thì số lượng máy bay của chúng bị ta bắn rơi càng nhiều. Phát huy thắng lợi bắn hạ 4 chiếc trong tháng 11, sáng tháng 12-1967 - tháng kỷ niệm 23 năm thành lập Quân đội nhân dân, MiG21/4324 lại xuất kích đánh rơi 4 chiếc nữa. Đó là ngày 12-12 phi công Nguyễn Văn Cốc lập chiến công tiếp bắn hạ chiếc F105 (thứ 11) trên vùng trời Hà Bắc. Ngày 17-12 phi công Vũ Ngọc Đỉnh xuất kích cùng với biên đội không quân bạn chặn bắn đội hình 32 chiếc thần sấm, con ma đang lao vào đánh phá Hà Nội, anh đã hạ 2 chiếc F105 (thứ 12 và 13). Tiếp theo ngày 19-12, phi công Nguyễn Đăng Kích đã đánh hạ chiếc F4 (thứ 14) trên vùng tời Tam Đảo và là người được ghi ngôi sao đỏ thứ 14 (hàng thứ 3) trên thân MiG21/4324.

Những phi công Anh hùng

Hiện nay chiếc MiG21/4324 từ phía sân sau đã được chuyển ra phía trước tiền sảnh Bảo tàng để ai ai đi qua đây đều được chiêm ngưỡng và hồi tưởng lại ký ức của một thời đất nước có chiến tranh. Vậy là chỉ trong năm 1967 với 9 phi công ta đã không chiến bằng chiếc MiG21/4324 đánh hạ 14 máy bay Mỹ với 4 chủng loại (9 chiếc F105, 3 chiếc F4, 1 chiếc A4, 1 chiếc RF101). Trong đó 6 phi công được Nhà nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Ngọc Ngự. Trong đó cùng với chiến công sử dụng MiG21 khác phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 chiếc, phi công Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Hồng Nhị mỗi người bắn rơi 8 chiếc - được Bộ Quốc phòng đưa tên vào Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam – là những phi công bắn rơi nhiều máy bay địch nhất, trong đó Anh hùng Nguyễn Văn Cốc đạt kỷ lục 9 chiếc, được thưởng 9 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều Huân chương.

Một bí mật quân sự khác về sự huyền bí của chiếc tiêm kích này nay mới được giải mã. Số là theo tính năng kỹ thuật thì loại tiêm kích MiG21 được sử dụng tới 1.200 giờ bay. Nhưng đến tháng 12-1967 sau khi đã anh dũng chiến đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc, hiệu suất chiến đấu cao với 14 ngôi sao đỏ, chiếc máy bay này chỉ mới sử dụng hết 2/3 thời gian quy đinh (bằng 800 giờ bay), còn có thể tiếp tục xuất kích 400 giờ bay nữa. Nhưng để lưu lại một vật chứng với nhiều chiến tích đặc biệt hiếm có của một quân chủng hiện đại, giữ gìn truyền thống cho các thế hệ nối tiếp kế tục, ngày từ cuối năm 1967, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho chiếc MiG21 đầy ắp chiến công này được “nghỉ dưỡng” trước thời hạn. Đồng thời giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân đưa vào nơi bí mật an toàn cất giấu, bảo quản suốt 7 năm. Cho đến dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân, ngày 4-12-1974 nó mới được đưa từ sân bay Bạch Mai về Bảo tàng Quân đội và được “trình làng” từ ngày 20-12 năm đó. Đến nay đã có hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu lịch sử chiếc tiêm kích huyền thoại anh hùng này - gắn kết giữa những di tích lịch sử và thời đại ngay bên cạnh Cột cờ Thành đô cổ kính trong quần thể Hoàng thành Thăng Long.