Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Sự tích 14 ngôi sao đỏ trên chiếc MiG21

Người sĩ quan Bảo tàng Quân đội thuyết minh rằng cứ một ngôi sao đỏ trên thân máy bay là tương ứng với một chiến công do chiếc MiG 21 này của không quân ta thực hiện: Bắn hạ 1 chiếc máy bay Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc...


Trước tiền sảnh Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hằng ngày người qua lại trên đường Điện Biên Phủ và khách đến tham quan bảo tàng đều diện kiến chiếc chiến đấu cơ tiêm kích MiG 21 mang số hiệu 4324 với 14 ngôi sao đỏ, trên bệ trưng bày hiện vật - một trong những vật chứng đặc biệt về chiến tích của Không quân nhân dân Việt Nam. Sự tích kỳ diệu của những ngôi sao đỏ chiến công ấy như thế nào? Nhân Kỷ niệm 66 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, xin cùng bạn đọc tìm hiểu điều thú vị này.

Sự xuất hiện chiếc tiêm kích lặng lẽ trên đường phố Hà Nội trong đêm

Vào một đêm mùa đông đầu tháng 12-1974 khi người Hà Nội đang yên giấc sau một ngày lao động, chiến đấu trên các đường phố Thủ đô chỉ còn các tốp chiến sĩ cảnh sát tuần tra đêm, bỗng có một chiếc tiêm kích MiG 21 sáng màu ánh bạc - đã tháo đôi cánh - từ sân bay Bạch Mai trườn trên mặt đất ra đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn) lặng lẽ tiếp tục lăn đôi bánh lốp, cơ động sang đường Điện Biên Phủ, rồi ngoặt vào sân sau Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam). Ngay ngày hôm sau chiếc máy bay này đã được Bảo tàng Quân đội ghi vào danh mục hiện vật lưu giữ đặc biệt mang số BTQĐ 5800K/4324 và các nhân viên kỹ thuật đã lắp đôi cánh vào thân máy bay hoàn chỉnh.

Điều hấp dẫn sự “tò mò” của du khách là trên thân phía đầu chiếc MiG 21/4324 người ta thấy có 14 ngôi sao đỏ in đậm rực rỡ thành 3 hàng. Người sĩ quan Bảo tàng Quân đội thuyết minh rằng cứ một ngôi sao đỏ trên thân máy bay là tương ứng với một chiến công do chiếc MiG 21 này của không quân ta thực hiện: Bắn hạ 1 chiếc máy bay Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc năm 1967. Và, cứ mỗi phi công bắn rơi 1 máy bay Mỹ, được Bác Hồ thưởng một Huy hiệu mang chân dung Người.




Phi công Nguyễn Văn Cốc báo công với
Bác Hồ năm 1967, Người nói: “Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa”


Ngược dòng thời gian, giở lại lịch sử hồ sơ tư liệu từ hơn 40 năm trước lưu giữ tại Bảo tàng Không quân, Bảo tàng Quân đội; qua tiếp xúc với Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Uy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Cốc, nguyên Chánh thanh tra quân đội - là hai trong số các phi công đã từng trực tiếp lái chiếc 4324 này - mỗi người đã hạ hai máy bay Mỹ - góp chiến công tạo nên 4 ngôi sao đỏ trong 14 ngôi sao rực rỡ kia trên thân máy bay - luôn tồn tại với thời gian; nay đã thành những nhân chứng lịch sử gắn liền với sự kiện đặc biệt này.

Đúng vào ngày kỷ niệm 34 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-1964, với Quyết định số 18/QĐ của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn không quân tiêm kích 921 đầu tiên thuộc sư đoàn không quân 371 của không quân nhân dân Việt Nam ra đời. Tuy với tuổi quân còn rất trẻ, nhưng lực lượng không quân ta đã lập nên những chiến công chói lọi đáng tự hào - bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ với 19 chủng loại, gồm có cả pháo đài bay chiến lược B52 - con át chủ bài - niềm hy vọng lớn nhất của không lực Hoa Kỳ trong mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc hòng đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Trong đó có chiến công của chiếc MiG 21 mang số hiệu truyền thống 4324 góp phần. Chỉ trong năm 1967, với 9 phi công của Trung đoàn không quân MiG 21 921 thay nhau trực chiến đã lần lượt xuất kích 69 lần, đối mặt với không quân Mỹ 22 lần, thực hiện 16 trận không chiến. Với 25 quả tên lửa không đối không, đã bắn tan xác 14 phản lực cơ của Mỹ gồm cả các loại Thần sấm, Con ma, Chim ưng nhà trời, trinh sát điện tử... mà vẫn bảo đảm an toàn cả máy bay và phi công.



Chiếc tiêm kích MIG21/4324 với 14 ngôi sao đỏ

Không chiến - những chiến tích ngoạn mục

Đó là trận chiến thắng khởi đầu vào lúc 10 giờ 29 phút ngày 30-4-1967, phi công Lê Trọng Huyền mở đầu trận không chiến bắn rơi chiếc F105 (đầu tiên) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái; anh cũng là phi công được ghi ngôi sao đỏ thứ nhất trên chiếc MiG21/4324. Tiếp theo ngày 4-5, phi công Phạm Thanh Ngân giáp trận không chiến thứ hai trong mấy phút đã hạ chiếc F105 (thứ 2) trên vùng trời Tam Đảo - Vĩnh Phúc, là người được ghi ngôi sao đỏ thứ hai trên chiếc tiêm kích này. Ngay ngày hôm sau 5-5 phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ chiếc F4 (thứ 3) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái. Ngày 5-6 phi công Nguyễn Văn Lý hạ chiếc F105 (thứ 4) trên vùng trời tỉnh Tuyên Quang. Ngày 5-7 phi công Nguyễn Văn Huyên hạ chiếc A4 (thứ 5) trên vùng trời tỉnh Hải Dương - là người được ghi ngôi sao đỏ thứ năm (hàng thứ nhất) trên thân MiG21/4324. Rồi chiến công nối tiếp chiến công, ngày 10-9 phi công Nguyễn Hồng Nhị hạ chiếc RF101 (thứ 6) loại trinh sát điện tử hiện đại nhất của Mỹ lúc đó - nó bị tan xác trên vùng trời Mộc Châu - Sơn La. Đến lúc này trên thân MiG21/4324 đã có 6 ngôi sao đỏ được ghi và 6 phi công được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người.

Trên trang vàng chiến tích không quân Việt Nam nối tiếp ghi nhận trong 2 tháng cuối năm 1967 là thời kỳ chiếc tiêm kích MiG21/4324 lập nên nhiều chiến công dồn dập hơn hẳn trong 6 tháng trước đó của năm này. Đó là đúng vào ngày kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/1967) hai phi công Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Văn Ngự lần lượt thay nhau lái chiếc tiêm kích này xuất kích không chiến đánh hạ chiếc F4 (thứ 7) và chiếc F05 (thứ 8) trên vùng trời Hà Bắc và Yên Bái.

Cũng trong tháng 11-1967 phi công Phạm Thanh Ngân lại lập chiến công lần thứ hai khi lái chiếc MiG21/4324 hạ chiếc F105 (thứ 9) trên vùng trời Phú Thọ ngày 18-11. Tiếp theo sau đó 2 ngày, phi công Nguyễn Văn Cốc cũng với chiếc tiêm kích này đã hạ chiếc F105 (thứ 10) trên vùng trời Vĩnh Phú, và là người được ghi ngôi sao đỏ thứ mười (hàng thứ hai) trên thân én bạc. Sau trận không chiến đó, anh cùng với đồng đội trong Trung đoàn không quân 921 được đến báo công với Bác Hồ, Người rất vui chúc không quân ta có nhiều phi công bắn rơi máy bay Mỹ như chú Cốc, Bác mong không quân ta có nhiều Cốc để Bác thưởng Huy hiệu.

Càng thua nặng ở chiến trường miền Nam, không quân Mỹ như con bạc khát nước càng gia tăng cường độ xuất kích leo thang ra đánh phá miền Bắc, thì số lượng máy bay của chúng bị ta bắn rơi càng nhiều. Phát huy thắng lợi bắn hạ 4 chiếc trong tháng 11, sáng tháng 12-1967 - tháng kỷ niệm 23 năm thành lập Quân đội nhân dân, MiG21/4324 lại xuất kích đánh rơi 4 chiếc nữa. Đó là ngày 12-12 phi công Nguyễn Văn Cốc lập chiến công tiếp bắn hạ chiếc F105 (thứ 11) trên vùng trời Hà Bắc. Ngày 17-12 phi công Vũ Ngọc Đỉnh xuất kích cùng với biên đội không quân bạn chặn bắn đội hình 32 chiếc thần sấm, con ma đang lao vào đánh phá Hà Nội, anh đã hạ 2 chiếc F105 (thứ 12 và 13). Tiếp theo ngày 19-12, phi công Nguyễn Đăng Kích đã đánh hạ chiếc F4 (thứ 14) trên vùng tời Tam Đảo và là người được ghi ngôi sao đỏ thứ 14 (hàng thứ 3) trên thân MiG21/4324.

Những phi công Anh hùng

Hiện nay chiếc MiG21/4324 từ phía sân sau đã được chuyển ra phía trước tiền sảnh Bảo tàng để ai ai đi qua đây đều được chiêm ngưỡng và hồi tưởng lại ký ức của một thời đất nước có chiến tranh. Vậy là chỉ trong năm 1967 với 9 phi công ta đã không chiến bằng chiếc MiG21/4324 đánh hạ 14 máy bay Mỹ với 4 chủng loại (9 chiếc F105, 3 chiếc F4, 1 chiếc A4, 1 chiếc RF101). Trong đó 6 phi công được Nhà nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Ngọc Ngự. Trong đó cùng với chiến công sử dụng MiG21 khác phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 chiếc, phi công Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Hồng Nhị mỗi người bắn rơi 8 chiếc - được Bộ Quốc phòng đưa tên vào Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam – là những phi công bắn rơi nhiều máy bay địch nhất, trong đó Anh hùng Nguyễn Văn Cốc đạt kỷ lục 9 chiếc, được thưởng 9 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều Huân chương.

Một bí mật quân sự khác về sự huyền bí của chiếc tiêm kích này nay mới được giải mã. Số là theo tính năng kỹ thuật thì loại tiêm kích MiG21 được sử dụng tới 1.200 giờ bay. Nhưng đến tháng 12-1967 sau khi đã anh dũng chiến đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc, hiệu suất chiến đấu cao với 14 ngôi sao đỏ, chiếc máy bay này chỉ mới sử dụng hết 2/3 thời gian quy đinh (bằng 800 giờ bay), còn có thể tiếp tục xuất kích 400 giờ bay nữa. Nhưng để lưu lại một vật chứng với nhiều chiến tích đặc biệt hiếm có của một quân chủng hiện đại, giữ gìn truyền thống cho các thế hệ nối tiếp kế tục, ngày từ cuối năm 1967, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho chiếc MiG21 đầy ắp chiến công này được “nghỉ dưỡng” trước thời hạn. Đồng thời giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân đưa vào nơi bí mật an toàn cất giấu, bảo quản suốt 7 năm. Cho đến dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Quân đội nhân dân, ngày 4-12-1974 nó mới được đưa từ sân bay Bạch Mai về Bảo tàng Quân đội và được “trình làng” từ ngày 20-12 năm đó. Đến nay đã có hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu lịch sử chiếc tiêm kích huyền thoại anh hùng này - gắn kết giữa những di tích lịch sử và thời đại ngay bên cạnh Cột cờ Thành đô cổ kính trong quần thể Hoàng thành Thăng Long.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

PHÁT HIỆN THÊM MỘT TÀI LIỆU VỀ CHỦ QUYỀN VN

MỘT TÀI LIỆU HÁN NÔM VIẾT VỀ HOÀNG SA - TRƯỜNG SA
THUỘC CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM

Trịnh Khắc Mạnh

Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo nằm ở Biển Đông thuộc lãnh thổ Việt Nam. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm của cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Căn cứ vào các tài liệu Hán Nôm và những ghi chép của người nước ngoài, các nhà khoa học đã chứng minh chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, đây là những căn cứ vững chắc về khoa học và pháp lý. Xin nêu một số công trình như: 
- Từ Đặng Minh Thu: Cuộc tranh chấp về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Các vấn đề pháp lý, Trường Đại học Luật, Kinh tế và Khoa học xã hội Paris (chưa rõ năm). 
- Đinh Phan Cư: Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Học viện Quốc gia Hành chính, Luận văn tốt nghiệp, Sài Gòn, năm 1972. 
Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (gồm các bài viết của Hoàng Xuân Hãn, Trịnh Tuấn Anh, Lãng Hồ, Nguyễn Nhã,... gồm 13 tác giả), Tập san Sử Địa, số 29/1975. 
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1984. 
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Bộ phận lãnh thổ Việt Nam, Nxb. Quân đội Nhân dân, H., 1988. 
- Lưu Văn Lợi: Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb. Công an Nhân dân, H.1995. 
- Nguyễn Nhã: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, bảo vệ tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, năm 2002. 
- Nguyễn Q. Thắng: Hoàng Sa Trường Sa lãnh thổ Việt Nam - Nhìn từ công ước quốc tế, Nxb. Tri thức, 2008. 
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam (gồm các bài viết của Nguyễn Nhã, Nguyễn Đỉnh Đầu, Lê Minh Nghĩa, Từ Đặng Minh Thu, Vũ Quang Việt), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2008. 
Nhưng các công trình trên đều không nêu dẫn một tác phẩm Hán Nôm có ghi chép về Hoàng Sa, đó là bộ Đại Việt sử kí tục biên 大越史記續編 (còn có tên Hậu Lê thời sự kỷ lược 後黎時事紀略). Để bổ sung tư liệu quan trọng có giá trị khoa học về lịch sử, pháp lý và thực tế để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, chúng tôi xin trích giới thiệu đoạn văn ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa trongĐại Việt sử kí tục biên (Hậu Lê thời sự kỷ lược).
Đại Việt sử kí tục biên là bộ sử viết về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1676 - 1789, và được chúa Trịnh Sâm sai biên soạn vào năm 1775, chính trong tác phẩm đã ghi rõ điều này: “Chúa sai làm quốc sử. Từ năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676) về sau chưa có tục biên. Chúa sai Nguyễn Hoãn, Lê Quí Đôn, Vũ Miên kiêm chức Tổng tài và các Nho thần làm Toản tu như: Ngô Thì Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn, Nguyễn Sá đều dự làm quốc sử”(1). Điều này cũng được ghi trong mục Văn tịch chí bộ Lịch triều hiến chương loại chí(2)của Phan Huy Chú và bộ Việt sử thông giám cương mục(3) của Quốc sử quán triều Nguyễn. 
Nhưng Đại Việt sử kí tục biên, trong quá trình lưu truyền văn bản đã bị thất lạc, lý do: vào năm 1838, vua Minh Mệnh ban đạo dụ cấm ban hành bộ sử Lê sử bản kỉ tục biênvì đã viết ca ngợi công lao họ Trịnh, đạo dụ viết: “Trong các sách An Nam lịch đại sử kí (Sử kí các đời của An Nam) có nhiều chỗ văn nghĩa sự tích giản lược. Đến giai đoạn từ đời Lê Trung hưng trở về sau, họ Trịnh nắm hết chính quyền, vua Lê chỉ ngồi bị vị, cho nên những chuyện chép trong Bản kỉ tục biên đều là việc tôn họ Trịnh dìm vua Lê. Thậm chí, những việc họ Trịnh bội nghịch với vua Lê cũng đều chép sai lạc để ngợi khen nhau. Tình trạng trái ngược như mũ giầy điên đảo, không lúc nào tệ bằng lúc ấy. Do đó có những người biên soạn sử sách thời bấy giờ đều là người riêng của họ Trịnh, điều mà sách chép không phải là lời nói theo công nghị. Đến nay tuy những ván khắc cũ [của sách Lê sử tục biên] đã bị tán lạc; nhưng những bản sách đã in, do sĩ dân tàng trữ, há lại không còn hay sao? Nếu còn để sách ấy lại, người nọ truyền riêng cho người kia xem thì nó sẽ làm hãm đắm lòng người, không thể không một phen thu sách ấy lại mà tiêu hủy đi, để tính kế tốt nhất cho phong tục thế đạo. Vậy truyền dụ các quan đầu các địa phương, thông sức cho quan lại sĩ dân trong hạt mình cai trị, nếu còn có nhà nào chứa chấp sách Lê sử bản kỉ tục biên, thì bất cứ sách in hay sách viết, đều nộp lên quan ngay, do quan đầu địa phương đệ nạp tại Bộ. Khi sách đã đến Bộ, Bộ sẽ tâu xin trên hủy đi”(4). Như vậy, Lê sử bản kỉ tục biên hay Bản kỉ tục biên chính là Đại Việt sử kí tục biên đã từng được khắc in, chỉ từ sau năm 1838 trở đi mới bị thất lạc, hiện trong các kho Hán Nôm chúng tôi chưa tìm thấy bản khắc in nào.
Theo điều tra của Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng, cùng sự đối chiếu trong kho sách Hán Nôm, Đại Việt sử kí tục biên hiện còn 9 bản đều dưới dạng viết tay và có các tên gọi khác nhau, như Đại Việt sử kí tục biên, Việt sử tục biên 越史續編, Lê hoàng triều kỷ 黎皇朝紀, Hậu Lê thời sự kỷ lược hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Sử học(5).
Sau đây chúng tôi xin công bố đoạn trích viết về Hoàng Sa vào năm Giáp Tuất niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15 (1754) trong Đại Việt sử ký tục biên, bản HV.119 của Viện Sử họcvới tên sách là Hậu Lê thời sự kỷ lược(6).
Phần chữ Hán:簿[.](7)��(8) - (Xem ảnh chụp bản gốc ở cuối bài viết).
Dịch nghĩa:Tám người thuộc đội Hoàng Sa xã An Vĩnh huyện Bình Sơn phủ Quảng Ngãi đi thuyền nhỏ vào bãi Hoàng Sa giữa hải đảo tìm lấy hóa vật, bị gió dạt vào cửa sông Thanh Lan huyện Văn Xương phủ Lô Châu (nước Thanh). Quan địa phương đó xét hỏi đúng sự thực rồi đưa trả về nguyên quán. Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng đế ta(9) sai Cai bạ Thuận Hóa là Thức Lượng hầu(10) viết thư đáp lại nước Thanh. Ngoài biển xã An Vĩnh có nhiều đảo lớn gồm hơn 130 đảo, cách nhau hoặc một ngày đi thuyền, hoặc vài canh giờ. Trên đảo có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng(11) (Hoàng Sa) dài ước hơn 30 dặm, bãi phẳng nước trong. Đảo có vô số tổ yến, ở bãi cát lại có ốc vằn, tục gọi là ốc tai voi, ốc xà cừ, ốc hương và hải trùng, hải sâm, đồi mồi, v.v... Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng 3 ra đi, mang lương ăn 6 tháng, đi thuyền ra biển 3 ngày 3 đêm mới đến đảo. Ở đấy tha hồ tìm nhặt, được sản vật gì, bao nhiêu, đến kì tháng 8 thuyền về cửa Eo(12), đem đến Phú Xuân nộp. Trong khoảng ấy cũng có người mò được tiền bạc, chì, thiếc, nồi đồng, súng, khí giới, ngà voi, bát bằng đá, v.v..”(13)
Như vậy tư liệu Hán Nôm viết về Hoàng Sa - Trường Sa khẳng định chủ quyền lãnh thổ thuộc Việt Nam cần được bổ sung tác phẩm Đại Việt sử kí tục biên (Hậu Lê thời kỉ lược) một bộ tín sử Việt Nam (giai đoạn 1676-1789) viết nối tiếp Đại Việt Sử kí toàn thư ghi chép lịch sử Việt Nam từ họ Hồng Bàng đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông.

Chú thích:
(1) Đại Việt sử kí tục biên, Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.397.
(2) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, tập III, Nxb. KHXH, H. 1992, tr.72-73.
(3) Việt sử thông giám cương mục, bản dịch, tập XIX, Nxb. Sử học, H. 1960, tr.46.
(4) Trần Văn Giáp: Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. KHXH, H. 2003, tr.148.
(5) Về văn bản Đại Việt sử kí tục biên, chi tiết xin xem Lời giới thiệu do Nguyễn Kim Hưng viết, in trong Đại Việt sử kí tục biên, Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.5-14.
(6) Xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Thư viện Viện Sử học đã tạo điều kiện và giúp đỡ chúng tôi.
(7) Chữ chưa khôi phục được.
(8) 後黎時事紀略, Viện Sử học, HV.119, Phần: Hiển Tông Vĩnh Hoàng đế (Q.3), Mục:Giáp Tuất Cảnh Hưng thứ 15 (1754), tờ 3a.
(9) Chỉ chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sách do các học giả thời Nguyễn sao chép lại, nên viết nhà Lê là Hậu Lê và ghi tên hiệu chúa Nguyễn Phúc Khoát được các Hoàng đế nhà Nguyễn truy phong. Vấn đề văn bản tác phẩm chúng tôi sẽ nghiên cứu và giới thiệu vào dịp khác.
(10) Thức Lượng hầu: tước của Trần Đình Hỷ.
(11) Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ 天南四至hay Thiên hạ bản đồ 天下本圖có ghi chữ Bãi Cát Vàng.
(12) Cửa Eo: tức Cửa Thuận (Thuận An hải khẩu). Tên này được đổi từ năm Gia Long thứ 13 (1814). 
(13) Bản dịch: Đại Việt sử kí tục biên, Ngô Thế Long - Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1991, tr.243-244. Chúng tôi có sửa chữa đôi chỗ.
Tư liệu tham khảo
- Monique Chemillier - Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bản dịch, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 1998.
http://www.google.com.vn / Hoàng Sa Trường Sa. Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa. Tủ sách Hoàng Sa Trường Sa../.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm; Số 4 (94) 2009; Tr.79-82.
*Tác giả Trịnh Khắc Mạnh là PGS.TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Một số thủ đoạn lấn chiếm biên giới nước ta của Trung Quốc

Một số thủ đoạn lấn chiếm biên giới phía Bắc nước ta của “người đồng chí” Trung Quốc


Từ trước tới nay, nhắc tới Trung Quốc, người ta lại nhấn mạnh nào là tình đồng chí, anh em láng giềng… ít ai biết được rằng “người anh em” này đã từng bước “ăn thịt” chúng ta như thế nào, xin trích tư liệu từ blog của những người quan tâm dự án Bô-xít ở Tây Nguyên

1. Từ xâm canh, xâm cư đến chiếm đất
Khu vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một ví dụ điển hình. Khu vực này được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc rỗ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam: đường biên giới lịch sử tại đây đi qua một dãy núi cao, chỉ rõ làng Trình Tường và vùng xung quanh là lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người Trung quốc sang quá canh ở Trịnh Tường đều nộp thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956, phía Trong Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc làm ăn ở Trịnh Tường, bằng cách cung cấp cho họ nhiều tem phiếu mua đường vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang – Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến vùng lãnh thổ Việt nam dài 6km, sâu 1,3km thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc, thành lãnh thổ Trung Quốc. Từ đó họ đuổi những người Việt Nam từ nhiều đời nay sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vuwcjnayf, đơn phương sửa lại đường biến giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam… Trình Tường không phải là trường hợp đơn lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự, như ở xã Thanh Loa huyện Cao Lộc (mốc 25,26,27) ở Lạng Sơn, Khảm Khau (mốc 17-19) ở Cao Bằng, Tà Lủng, Làn Phù Phìn ở Hà Tuyên…
2. Lợi dung xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới về phía Việt Nam.
Tại khu vực Hữu Nghị quan: .. họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện Vĩnh Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam, dài 3,1km và vào sâu đất Việt Nam 0,5km.
3. Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang Việt Nam.
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1976, phí Trung Quốc đã huy động 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập rthanhf hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.
Các thị trấn Ái Điểm (đối diện với Chi Ma, Lạng Sơn), Bình Mãng (đối diện với Sóc Giang, Cao Bằng) vốn đã nằm sát các mốc 43 và 114, lại ngày càng được phía Trung Quốc mở rộng ra lấn sang đất Việt Nam từ hàng chục đến hàng trăm mét với công trình nhà cửa, trường học, khu phố..
4. Từ mượn đất của Việt Nam đến biến thành lãnh thổ của Trung Quốc
Khu vực Phia Un (mốc 94-95) thuộc huyện Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng là điển hình cho kiểu lấn chiếm này. Tại đây, mới đầu phía Trung Quốc mượn con đường mòn rồi tự ý mở rộng mặt đường để ô tô đi lại được vào khu vực mỏ của Trung Quốc, đặt đường dây điện, đưa dân đến ở ngày càng đông, lập bản làng mới. Dựa vào “thực tế” đó, từ năm 1956 họ không thừa nhận đường biên giới lịch sử chạy trên đỉnh núi Phia Un mà đòi biên giới phải chạy xa về phía nam con đường, sâu vào đất Việt nam hơn 500m. Lý lẽ của họ là nếu không phải đất của Trung Quốc sao họ có thể làm đường ô tô, đặt đường điện thoại được… Nguyên nhân chủ yếu của việc họ lấn chiếm là vì khu vực Phia Un có mỏ măng gan.
5. Xê dịch và xuyên tạc pháp lý các mốc quốc giới để sửa đổi đường biên giới.
Ngay tại một số nơi mà vị trí mốc biên giới đặt đúng với đường biên giới lịch sử, họ cũng tìm cách xuyên tạc đường biên giới đã rõ ràng chạy giữa hai mốc như khu vực Kùm Mu-Kim Ngân-Mẫu Sơn (mốc 41,42,42) ở Lạng Sơn dài trên 9km, sâu vào đất Việt Nam 2,5km, diện tích gần 1.000hecta, khu vực Nà Pảng-Kéo Trình (mốc 29,30,31) ở Cao Bằng, dài 6,45km sâu vào đất Việt Nam 1,3km, diện tích gần 200hecta.
6. Làm đường biên giới lấn sang đất Việt Nam
Chỉ tính từ tháng 10 năm 1976 đến năm 1977, bằng việc làm đường biên giới họ đã lấn vào đất Việt nam tại hàng chục điểm, có điểm diện tích rộng 32hecta, sâu vào đất VieetjNam trên 1km như khu vực giữa mốc 63-65 thuộc huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay khu vực giữa mốc 1-2 Cao Ma Pờ thuộc tỉnh Hà Tuyên dài 4km, sâu vào đất Việt Nam 2km.
7. Lợi dụng việc vẽ Bản đồ giúp Việt Nam để chuyển dịch đường biên giới.
Năm 1955-1956, Việt Nam đã nhờ Trung Quốc in lại bản đồ nước Việt nam tỷ lệ 1/100.000. Lợi dụng lòng tin của Việt Nam, họ đã sửa ký hiệu một số đoạn đường biên giới dịch về phía Việt Nam, biến vùng đất của Việt Nam thành đất của Trung Quốc./ Thí dụ: họ đã sửa ký hiệu ở khu vực Bản Giốc (mốc 53) thoocj tỉnh Cao Bằng, noqwi họ định chiếm một phần thác Bản Giốc của Việt Nam và cồn Pò Thoong.
8. Dùng lực lượng vũ trang để uy hiếp và đóng chốt để chiếm đất
Ở khu vực giữa mốc 2-3 thuộc xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1967-1968 nhiều hộ người Mèo thuộc huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam Trung Quốc sang định cư ở đây. Phía Việt nam đã yêu cầu Trung Quốc đưa số dân đó trở về Trung Quốc, nhưng họ làm ngơ, lại tiếp tục tăng số dân lên 36 hộ gồm 152 người, vào vùng này thu thuế, phát phiếu vải cho dân, đặt tên cho xóm dân Mèo này là “Sìn Sài Thăng”, tên của một bản Trung Quốc ở bên kia biên giới cách khu vực này 3km. Mặc dù phía Việt Nam nhiều lần kháng nghị họ vẫn không rút số dân đó đi, trái lại, đầu năm 1976 còn đưa lực lượng vũ trang vào đóng chốt, chiếm giữ. Nay họ đã lập thêm đường dây điện thoại, loa phóng thanh, dựng trường học, tổ chức đội sản xuất, coi là lãnh thổ Trung Quốc.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Đặc công VN đánh B52 trên đất Thái

Đặc công VN đánh B52 trên đất Thái

Đã có nhiều trận đánh và những chiến công được nói đến. Riêng trận tập kích sân bay Utapao (Thái Lan) lâu nay rơi vào im lặng. Utapao là căn cứ không quân rất lớn của Mỹ tại Thái Lan hồi đó, và đây cũng là cũng là sân bay duy nhất ở Đông Nam Á mà máy bay chiến lược B.52 có thể hạ, cất cánh. Máy bay B.52 của Mỹ thường xuất phát từ nơi đây và đảo Guam để ném bom miền Bắc nước ta. Chính phủ ta ngày ấy từng ra tuyên bố: địch xuất phát từ đâu, ta có quyền đánh trả ngay nơi sào huyệt của chúng. Dựa vào tuyên bố ấy và trên cơ sở phân tích tin tình báo chiến lược, phán đoán đúng ý đồ của Mỹ, tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Đặc công giao cho thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Tham mưu trưởng binh chủng, nghiên cứu và chuẩn bị phương án đánh thẳng vào căn cứ máy bay B.52 của Mỹ, khi chúng tăng cường ném bom thủ đô Hà Nội.

Khó khăn nhất là sân bay Utapao ở sâu trong nội địa Thái Lan, việc đảm bảo hậu cần hầu như không thực hiện được. Lúc đầu, bộ tư lệnh đề nghị cấp trên cho sử dụng đường dây Việt kiều. Ban Bí thư và Quân ủy điện trả lời tuyệt đối cấm sử dụng lực lượng này. Một tổ đặc công đánh xa có 3 người được chọn. Trong đó, hai chiến sĩ Lại và Phương vốn là hai Việt kiều Thái hồi hương về miền Bắc, thông thạo địa hình, nói sõi tiếng Thái. Một biệt đội hơn ba chục người đi theo làm nhiệm vụ yểm trợ. Đoàn đã lập trạm chỉ huy ở khu rừng Đôn Ka Thom nằm ở ngã ba biên giới Thái Lan - Lào - Campuchia. Đây là khu rừng nguyên sinh cây cao ba tầng, quanh năm không thấy ánh mặt trời. Từ đây, các tổ tiền tiêu được phái đi trinh sát 14 lần dọc theo dãy núi Prếch Vihia. Có một sáng kiến được đưa ra. Đó là dùng kỹ thuật ém lương thực theo kiểu sâu đo. Ba chiến sĩ mỗi người mang 32 kg lương khô, đến vị trí A để lại 10 kg, chôn kỹ và đánh dấu rồi quay về. Cứ thế từng chuyến lương khô được chuyển đến vị trí B, C, D... suốt chặng đường dài. Cần nói rõ lương thực là điều kiện sống còn của người lính đặc công, cả trên đường đi đến mục tiêu cũng như khi quay về.

Vấn đề còn lại là phương tiện liên lạc để nhận lệnh tiến công đúng thời điểm. Các chiến sĩ đặc công không thể đem điện đài, vì sẽ ảnh hưởng tới khối lượng chất nổ cần thiết phải mang theo. Đoàn trưởng liền hạ lệnh: mang theo máy radio để nghe tin tức, khi nào nghe tin đài BBC hay VOA đưa tin B.52 đang đánh dồn dập Hà Nội, lúc ấy được quyền khai hỏa. Ba chiến sĩ đặc công của ta, một bảo vệ bên ngoài để hai người xâm nhập tận trong sào huyệt, sờ mó tận tay từng chiếc B.52. Đúng lúc cao điểm 12 ngày đêm Mỹ đánh phá Hà Nội, chiến sĩ đặc công điểm hỏa đánh cháy 6 chiếc, phá hỏng 2 chiếc. Vậy là có 8 chiếc B.52 bị loại khỏi vòng chiến đấu, không còn cơ hội ngang dọc trên bầu trời miền Bắc gây tội ác nữa. Ngày hôm sau, các hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin, bình luận. Mỹ đã thật sự hoảng hốt, chúng không ngờ ta với tay xa và phối hợp ăn ý đến như vậy. Qua đài kỹ thuật (bí mật), chúng trao đổi với nhau mà không hiểu điều gì đã xảy ra. Lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe tin liền điện hỏi Bộ Tư lệnh Đặc công, bộ tư lệnh vội điện hỏi trạm chỉ huy. Sau này nghe thượng tá Nguyễn Đức Trúng báo cáo lại đầy đủ chi tiết, đại tướng không ngớt lời khen ngợi.

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Lược trình sức ép của Trung Quốc ngày càng gia tăng lên Việt Nam

Lược trình sức ép của Trung Quốc ngày càng gia tăng lên Việt Nam


Sức mạnh đang phất lên và mưu đồ hung hăng của Trung Quốc

Theo báo Economist, ngân sách quốc phòng TQ năm 2008 là 85 tỷ đô la, đứng thứ nhì sau Hoa Kỳ. Với Project 048, TQ đang xây hàng không mẫu hạm ở đảo Changxinh cạnh Thượng Hải và sẽ có 2 chiếc hoạt động vào năm 2015. Lực lượng hải quân có khoảng 55 tàu ngầm, 70 khu trục hạm, 50 tàu đổ bộ và 40 tàu chiến ven bờ. TQ đã chế xong 2 trong 6 chiếc tàu ngầm nguyên tử lực tối tân, loại Jin-class (094) và trang bị hỏa tiển JL-2 có tầm xa 7.200km. Trên bộ, TQ trang bị hỏa tiễn nguyên tử di động DF-31 và DF-31A. TQ sắp sử dụng hàng không mẫu hạm NAe Sao Paulo của Brazil để thực tập bay/đáp theo kỹ thuật CATOBAR (phóng khi lên, dùng dây móc khi xuống). Còn Việt Nam (VN) vừa mua của Nga 6 tàu ngầm Kilo ($1.8 tỷ đô la) và 8 máy bay Su-30MK2 ($400 triệu đô la) không kèm vũ khí hay thiết bị kỹ thuật, khác nào chim ưng không móng (máy bay mới của Nga là Su-35), so ra khó thể làm cho TQ ngại ngùng khi tính toán chiến tranh.

Cuối năm 2009, TQ sẽ thao diễn quân sự đại quy mô kéo dài 2 tháng có tên “Tiến Bước-2009”, sử dụng quân sĩ của 4 trong tổng số 7 quân đoàn với 50.000 quân thao tập, huy động 60.000 xe, sử dụng vũ khí nặng, tổ chức đánh trận thật, bắn đạn thật, di chuyển trường chinh với 50.000km đường, mỗi tiểu đơn vị di chuyển một tuyến đường dài hơn 2.400km, tiến quân cùng một lúc từ 4 đại bản doanh của 4 tỉnh Thẩm Dương, Lan Châu, Tế Nam và Quảng Châu. Việc thao diễn nhằm phối hợp lục và không quân để đạt 6 chỉ tiêu là kiện toàn chỉ huy, phối hợp binh chủng, sử dụng kỹ thuật điện từ, tấn công, giao chiến, và sử dụng lực lượng đặc nhiệm (Jamestown.org 15/5 và 12/6/09).

TQ đang trong chiều hướng chuẩn bị dư luận cho chiến tranh bành trướng xẩy ra trong tương lai. Trong tháng 3/09 vừa qua, quyển sách Trung Quốc bất cao hứng bán chạy nhất ở TQ với số in 180.000 cuốn bán sạch (và in thêm với số bán hơn nửa triệu) của 5 tác giả Vương Tiểu Đông, Tống Hiểu Quân, Hoàng Kỉ Tô, Tống Cường và Lưu Ngưỡng đưa ra viễn kiến cho TQ trong 30 năm tới, cho rằng TQ phải có chí lớn, đã đến lúc TQ phải “thay Trời hành đạo”, lãnh đạo thế giới, phải cầm gươm kinh doanh, tận dụng tài nguyên thế giới, Giải phóng quân phải bám sát lợi ích nòng cốt của TQ trên thế giới (hoinhavanvietnam.vn 4/14/09). Đây là hình ảnh của anh thương gia tay xách túi tiền và trên vai có mang theo khẩu súng.

TQ coi các quốc gia xung quanh là sợi dây chuyền trân châu đeo trên cổ của họ, vòng đai chư hầu để TQ khai thác tài nguyên và làm phên dậu, từ Mông Cổ, Bắc Hàn, VN, Lào, Cam Bốt, Miến Điện, Bangladesh, Pakistan, Sri-Lanka. Họ đã bỏ ra $1 tỷ đô la để xây hải cảng Hambantota phía Đông Bắc Sri-Lanka, kiểm soát Ấn Độ Dương, thọc vào nách Ấn Độ, tạo quân cảng 2 bên vùng vịnh Bengal từ Sri-Lanka qua Miến Điện (UPI Asia 13/5/09).

Chuyên gia Nga về VN, TS Vladimir Kolotov nhận xét rằng chiến lược dài hạn của TQ rất rõ ràng là kiểm soát vùng Đông Nam Á (ĐNA), ban đầu gián tiếp sau đó trực tiếp, và hàm ý TQ muốn lập chế độ bù nhìn ở VN. TQ hứa hẹn với VN hợp tác khai thác chung ở những vùng biển tranh chấp, nhưng theo ông, hợp tác khai thác là phải cùng đầu tư. Công ty dầu China National Offshore Corp. đã bỏ ra $30 tỷ đô la để khai thác quanh Trường Sa, VN có bỏ ra được $10 tỷ hay không? Ông nhận xét là trong lịch sử, mỗi khi TQ mạnh, lần nào cũng là một vấn đề lớn cho VN (BBC 14/5/09 và 23/12/08). Tuần dương hạm Trịnh Hòa của TQ ghé cảng Đà Nẵng ngày 18/11/08 và Trung Tướng Vũ Xuân Vinh nói trong dịp này là “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Với tàu Trịnh Hòa, TQ gởi đến VN một tín hiệu của sự đe dọa, nhắc nhở cho VN rằng Trịnh Hòa (1371-1433) là Thủy Sư Đô đốc thời nhà Minh cường thịnh và xâm lăng VN, đưa đến cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vải Lam Sơn (BBC 18/11/08).

Hiện nay ở TQ, các tờ Đông phương nhật báo, China Daily, website quân sự chính trị “Thiết huyết” ở Bắc Kinh đều có chủ trương muốn thôn tính VN bằng vũ lực trong một cuộc chiến tranh cục bộ để mở rộng không gian của mình (lý luận của Phát xít Đức-Ý trước kia), vì VN là hòn đá cản đường sự phát triển của TQ, và tình hình hiện nay là cơ hội lịch sử, cần đánh nhanh. TQ đã giấu khả năng và chần chờ quá lâu, VN là nước mà TQ cần đánh trước. TQ cần gấp một chiến thắng để gởi tín hiệu cho thế giới về vị thế cường quốc của mình và khích lệ nhân dân TQ. Họ nói Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates ở Hội nghị Đối thoại Shangri-La, Singapore 31/5/09 đã bật đèn xanh cho TQ khi nói rằng Mỹ không có quan điểm gì về các tranh chấp chủ quyền tại biển Đông (BBC 2/6 và 11/6/09). Tâm lý này của TQ được phản ảnh qua việc họ đồng tình với Nga khi Nga chiếm 2 tỉnh South Ossetia và Abkhazia của Georgia, lập thành 2 nước thân Nga, trong khi thế giới chỉ lên tiếng suông chứ không có một hành động cụ thể nào để bảo vệ Georgia. Liệu rằng với sự hiện diện của TQ ở Tây Nguyên và các vùng có dân tộc thiểu số để khai thác quặng mỏ, có ai bảo đảm rằng TQ sẽ không làm như Nga ở Georgia?

Chúng ta còn nhớ vào đầu tháng 8/08 và kéo dài đến tháng 9/08, mạng Sina.com cùng 3 mạng khác ở TQ đăng kế hoạch cùng bản đồ đánh chiếm VN trong 31 ngày với 310.000 quân hải lục tiến từ Vân Nam, Quảng Tây và Vịnh Bắc Bộ, dùng hỏa tiễn tầm xa bắn phá 5 ngày đầu để làm tê liệt hóa khả năng truyền thông của VN. Theo GS Ngô Vĩnh Long ở Đại Học Maine, việc đăng công khai đó có sự nhúng tay của Bắc Kinh, vì thường những thông tin chính quyền ngăn cấm không thể xuất hiện quá 3 ngày. GS Long cho rằng nếu VN lo sợ thì TQ lấn hơn, nếu mạnh mẽ thì TQ dè dặt. Các mạng này cho rằng VN là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh TQ, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của TQ, là đầu mối và trọng tâm chiến lược của toàn bộ khu vực ĐNA, muốn kiểm soát ĐNA cần chinh phục VN và VN là một cái xương khó nuốt (BBC 8/08). Chủ tịch Quốc hội Nhật, ông Tamisuke Watanuki khi viếng Hà Nội ngày 10/1/2002 đã nói với ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội VN lúc bấy giờ là “mối đe dọa đang nằm ở kế bên” (Asia Times 1/2/06).

Với chính sách cưỡng bách mỗi gia đình chỉ có một con và văn hóa trọng nam khinh nữ, xã hội TQ hiện nay có khoảng 37 triệu trai thừa và sẽ tăng lên khoảng 40 triệu vào năm 2020 (english.peopledaily.com.cn 10/7/07 và Wikipedia). Tầng lớp này hiện đang bước dần vào hạng tuổi lãnh đạo ở các cấp chính quyền TQ. Nhiều nhà xã hội học lo lắng rằng thành phần này có tâm lý phiêu lưu, họ dễ đưa TQ vào con đường mạo hiểm và sẽ tạo bất ổn cho thế giới. Nhìn cách TQ cư xử trịch thượng đối với VN trong những năm gần đây thì dù thờ ơ đến đâu chúng ta cũng phải bắt đầu lo lắng. Mặc dù Bộ Chính trị Đảng CSVN đã hết sức một lòng theo chủ trương “nhất biên đảo” (ngã hẳn về một bên thân TQ), nhưng VN càng khiếp nhược nhường nhịn thì TQ càng “được đằng chân lân đằng đầu,” càng gia tăng sự lấn áp để bành trướng.

TQ là một quốc gia độc tài toàn diện và đang có tham vọng bá quyền. Trong chế độ độc tài, các lãnh tụ nếu muốn củng cố địa vị lãnh đạo của mình thường lúc nào cũng phải hát giọng cao như Đại Hán, ái quốc, bành trướng không gian sinh tồn, hùng mạnh, đánh Đài Loan, dạy cho VN một bài học, đánh Ấn Độ lấy tỉnh Arunachal Pradesh, chứng tỏ sức mạnh cường quốc của mình cho thế giới kính sợ v.v. Nếu ai hát giọng thấp thì sẽ bị mất quyền lực ngay. Biến cố Thiên An Môn 1989 đã thể hiện rõ điều này khi những người lãnh đạo ôn hòa muốn thương thảo với sinh viên đều bị hạ bệ. TQ đang có nhu cầu đánh một trận lấy chiến thắng để thị uy cùng thế giới và họ đã chọn chiến trường đầu tiên là VN, vì nó hội đủ tất cả mọi điều kiện để TQ chiến thắng dễ dàng, nhanh chóng, thu được các mối lợi cao như biển Đông, tài nguyên, và mở được cửa ngõ chiến lược để bành trướng xuống vùng ĐNA. Do đó, vấn đề Đánh VN chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi. TQ đã gài được cái thế tương quan để VN đi từ một quốc gia có chủ quyền (trước 1991 với sự độc lập tương đối), đến sự liên hệ hợp tác song phương (sau khi thiết lập bang giao 1991 để bắt đầu đi vào con đường chư hầu), rồi trói chặt VN bằng sự liên hệ hợp tác chiến lược toàn diện (sau 2008 và đi vào vòng nô lệ)??.

Việt Nam-Trung Hoa núi liền núi sông liền sông… Đất nước chung nghe tiếng gà gáy cùng (bài hát ở miền Bắc VN trước 1975)

Từ tháng 2/1999 đến 12/2000, TQ ký với tất cả 10 quốc gia ĐNA các thỏa ước khung sườn cộng tác song phương, qua hình thức tuyên bố chung giữa các Bộ trưởng Ngoại giao hay Phó Thủ tướng, chỉ trừ VN là phải có thêm thỏa ước ký bởi 2 Tổng bí thư. Khi ký với các quốc gia khác, TQ đều cho dựa vào các điều khoản luật quốc tế như Hiến chương Liên hiệp quốc và những hiệp ước quốc tế. Riêng VN, thỏa ước 1999 không dựa vào điều khoản luật quốc tế nào cả, thỏa ước năm 2000 thì chỉ dựa vào Hiến chương LHQ và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình. Trong việc thực hiện sự cộng tác giữa TQ và các quốc gia khác, TQ chỉ đòi hỏi tổng quát là trao đổi cấp cao. Riêng VN, thỏa ước 1999 đòi hỏi toàn diện cộng tác từ đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng, các địa phương. Đối với các quốc gia khác, TQ đòi hỏi họ hỗ trợ TQ một cách chung chung mà thôi. Riêng VN thì hết sức chi tiết và đòi hỏi VN tuyệt đối không bao giờ được phát triển quan hệ chính thức với Đài Loan. TQ cam kết tôn trọng sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ với 8 trong 10 quốc gia ĐNA, trừ VN và Brunei. TQ hứa tham khảo và cộng tác với các quốc gia ĐNA ở các diễn đàn quốc tế như LHQ, ASEAN, ASEAN+3, trừ VN. Về sông Cửu Long, TQ hứa với Lào, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt là giúp họ phát triển vùng hạ lưu, trừ VN (Thayer 25/3/06).

Trong khi VN bị TQ bức hiếp thì các quốc gia khác, dù nhỏ yếu hơn VN như Phillipines, đã can đảm chống lại TQ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Có thể nói vấn đề tranh chấp Trường Sa trong hai năm qua là vấn đề giữa TQ và Phi, chứ không phải giữa TQ với VN, bởi vì VN chấp nhận thua thiệt và im lặng. Ngày 9/7/07 TQ bắn chết ngư dân VN trong vùng Trường Sa, tàu hải quân BPS-500 của VN có mặt ở đó, nhưng chỉ đứng nhìn (BBC 20/7/07). Quy ước Ứng xử năm 2002 giữa TQ và các quốc gia ĐNA chỉ là một văn bản có tính cách hứa hẹn không làm phức tạp vấn đề, nó không có tính cách ràng buộc, không có chế tài, không có hải hình rõ rệt vì TQ không chịu để Hoàng Sa vào, và không bao gồm tất cả các quốc gia tranh chấp vì không có Đài Loan tham dự. TQ đã coi nó như một tờ giấy lộn. Thỏa hiệp hợp tác địa chấn biển và thăm dò dầu khí chung trong vùng tranh chấp giữa TQ, Phi và VN năm 2005 có hiệu lực 3 năm, đã mãn hạn ngày 30/6/08 và không được gia hạn. Phi đã hủy bỏ năm 2007-08 vì cho rằng TQ bắt nạt, áp lực Quốc Hội Phi đòi thay đổi đường bờ biển căn bản. Đối lập Phi cho là vi hiến và tham nhũng. Phi còn thông qua luật ngày 17/2/09 coi các đảo là “regime islands” thuộc chủ quyền của Phi, mặc cho TQ phẫn nộ. Bà Tổng thống Gloria Arroyo còn cố ý ký thành luật vào ngày tân Đại sứ TQ trình ủy nhiệm thư 10/3/09, chỉ hai ngày sau biến cố tàu Impeccable bị TQ sách nhiễu ở 75 dặm cách đảo Hải Nam. Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng Phi đã phản ứng dữ dội về việc TQ đưa tàu Ngư Chính 311 vào vùng Trường Sa. TQ phải dịu giọng giải thích đó chỉ là những hoạt động thường lệ và ngày 24/3/09 hứa giải quyết ôn hòa.

Với Mỹ và Phi, TQ chưa dám phản ứng bằng cách gởi tàu chiến hạng nặng. Mỹ tuy có ráo riết theo dõi căn cứ hải quân Tam Á của TQ ở Hải Nam (qua vụ máy bay thám thính EP-3 bị chiến đấu cơ TQ đụng tháng 4/2001 và vụ tàu Impeccable) nhưng cho đến nay lập trường của Mỹ giới hạn vào sự thông thương tự do ở hải phận quốc tế, cách bờ 12 hải lý, và các công ty Mỹ không bị đe dọa khi khai thác hợp pháp trong các vùng đặc quyền kinh tế của phạm vi 200 hải lý hay xa hơn (Jamestown.org 30/4/09).

Nhật Bản còn mãnh liệt hơn Phi trong việc tranh chấp biển đảo với TQ. Nhật đơn phương tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế từ lằn chính giữa của đảo Ryukyu và bờ biển TQ, chỉ có Nhật độc quyền khai thác và Nhật sẽ có hành động trừng phạt nếu TQ vi phạm. Nhật còn đe dọa TQ không được khai thác gần đường ranh vì có thể rút dầu từ bên phía Nhật ở dưới mặt đất. TQ tuy viện dẫn thềm lục địa của họ kéo dài tới trũng Okinawa, nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, nhưng TQ không dám có hành động gì. Luật biển LHQ UNCLOS 1982 về vùng đặc quyền kinh tế thì mơ hồ, trước kia theo thềm lục địa nhưng sau này thì thiên về đường chính giữa, như phán quyết trong vụ tranh chấp Libya-Malta, ngoài ra còn đi theo tỷ lệ của bờ biển. Trong vụ tranh chấp Úc-Nam Dương (East Timor) thì thềm lục địa của Úc chạy đến trũng Timor, có lợi cho Úc. Nhưng sau khi Timor độc lập năm 2002, Timor đòi đường chính giữa và Úc đã tương nhượng, đồng ý là phần giữa trũng và đường chính giữa Timor được chia lợi nhuận trong sự khai thác. Trong việc tranh chấp giữa Nhật-Nam Hàn, hai bên đồng ý là có sự bất đồng và đợi đến năm 2028 sẽ giải quyết, trong hiện tại hai bên khai thác chung phần nằm giữa trũng và đường chính giữa. Cũng như TQ, thềm lục địa Nam Hàn chạy đến trũng Okinawa. Hiện giờ lằn ở giữa được LHQ chiếu cố và phương pháp giải quyết tranh chấp thường dùng là “thỏa thuận tạm thời và thực tiển”. TQ muốn như vậy đối với Nhật nhưng Nhật cương quyết từ chối và TQ không làm gì được. Ngay cả vùng đảo Senkaku (TQ gọi là Diaoyu), TQ và Đài Loan có thế mạnh về lịch sử và thềm lục địa, nhưng Nhật đòi cả 220 hải lý vùng đặc quyền kinh tế tính từ hòn đá phía Đông của Nhật mà họ gọi là đảo Okinotori, vi phạm Điều 212(3) của UNCLOS (Asia Times 1/2/06).

Nhật là một quốc gia đã từng chiếm đóng TQ và là một cường quốc cho nên TQ không dám hiếp đáp. Do đó TQ dòm ngó ĐNA, nhất là VN là nơi mà TQ dễ bắt nạt. TQ với bản đồ chữ U nộp LHQ chiếm 80% biển Đông, đòi 350 hải lý thay vì 200 như quy ước, diện tích đòi là 3 triệu km², trong khi theo quy ước chỉ là 270 ngàn km² (Strait Times 19/5/09). TQ dùng vũ lực chiếm 7 đảo ở Trường Sa và khoảng 100 giếng khoan dầu mà TQ nói là nằm trong vùng biển của họ với trữ lượng 22.5 tỷ tấn dầu trong tổng số khoảng 35 tỷ tấn. Trường Sa còn là một vị trí chiến lược quan trọng, TQ có 21 trong tổng số 39 đường hàng hải đi qua vùng Trường Sa. Trường Sa nằm ngay trung điểm của chữ S để tiến Đông qua Thái Bình Dương và tiến Tây qua Ấn Độ Dương và TQ coi Trường Sa là lưỡi gươm bén của họ (John Chan, WSWS.org).

Trong sự liên hệ giữa VN và TQ, Với chủ trương 16 vàng và 4 tốt “Láng giềng hữu nghị – Hợp tác toàn diện – Ổn định lâu dài – Hướng tới tương lai” và “Láng giềng tốt – Bạn bè tốt – Đồng chí tốt – Đối tác tốt”, con thuyền VN đã bị Đảng và nhà cầm quyền VN buộc chặt vào con thuyền khổng lồ của TQ. Các câu này rõ ràng là để áp dụng cho VN chứ không phải TQ, nói một cách giản dị là “vì ở cạnh TQ nên phải cư xử thân thiện với TQ, hoàn toàn vâng theo lời TQ, có như vậy TQ mới cho được yên ổn cầm quyền lâu dài, và TQ đi hướng nào thì VN phải đi theo hướng đó”, và “đã ở bên cạnh TQ thì phải làm đàn em ngoan ngoãn, làm đảng viên trung thành, làm nơi cho TQ bán hàng và khai thác tài nguyên”, luôn làm “tốt” để phục vụ quyền lợi TQ ?????

Láng giềng tốt ?: TQ dọn mìn ở vùng biên giới và vùng đèo Hữu Nghị 3 lần, lần thứ I từ 1992-94, lần thứ II từ 1997-99 được coi là lần dọn mìn lớn nhất lịch sử thế giới, và lần thứ III từ 2005. TQ cho biết hàng ngàn mẫu trà đã được trồng năm 1999. Câu hỏi được đặt ra là mìn đó do ai đặt? và đặt trên đất của ai? Bây giờ có hàng ngàn mẫu trà là đất của TQ (VOA 31/12/08). TQ mang 200.000 quân đánh VN năm 1979, họ chiếm vùng biên giới nước ta, và VN ở thế tự vệ thì làm sao mà VN có thể đặt mìn trên đất TQ được? Chỉ có thể là TQ trước khi rút quân đã đặt mìn trên đất VN để phục vụ 2 mục đích: VN không thể đánh bọc hậu, và vùng đất này không ai có thể sử dụng được cho đến khi mìn được tháo gỡ. Có lẽ chính vì bị mất đất quá nhiều cho nên lãnh đạo VN, qua ông TS Nguyễn Hồng Thao của Ban Biên giới Chính phủ VN, đã tìm cách thối thác không đưa ra bản đồ, viện dẫn rằng có hơn 2.000 cột mốc (theo DPA của Đức, tất cả là 2.333 cột mốc) cũng là hơn 2000 biên bản nên cần có thời gian và phải mất ít nhất 1 năm nữa (BBC 2/1/09). Chúng ta, ai cũng biết rằng với kỹ thuật vệ tinh và GPS ngày nay, chỉ cần mang cell phone có GPS đến cột mốc là vị trí này chính xác xuất hiện trên bản đồ. Lãnh đạo VN đã dối gạt dân để mua thời gian và tạo quên lãng trong việc nhường lãnh thổ ???.

Trong hơn 3 năm vừa qua, vào mùa đánh cá của ngư dân VN, TQ ra lệnh cấm 2 tháng và năm nay tăng lên 2 tháng rưỡi từ 16/5/09 đến 1/8/09 lấy lý do là để bảo vệ môi trường, mà theo GS Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét, là TQ chiếm từ từ bằng cách tạo tiền lệ, sau một thời gian tiền lệ sẽ trở thành tập tục quốc tế, và sau đó nữa là hoàn toàn của họ, lấy một cách êm thắm. Chính quyền VN thì lặng thinh và thế giới không ai phản đối. Theo GS Hùng, nếu VN không giữ chặt, kể cả tử chiến, những gì mình còn chưa mất, thì TQ sẽ tiếp tục lấy nữa, và điều kiện tiên quyết là lãnh đạo VN phải nhất trí, coi nguy cơ bá quyền của TQ là nguy cơ lớn nhất, trên cả 4 đại nguy cơ mà lãnh đạo VN nêu trong đại hội của họ là tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng, và diễn tiến hòa bình (RFA 1/6/09). Nhưng điều này khó thể xảy ra với thành phần lãnh đạo hiện tại. Lệnh cấm của TQ từ Cam Ranh trở lên bao phủ một vùng rộng lớn 128.000km² vào mùa biển lặng gió yên đã làm thiệt hại 60% tổng số cá sản xuất hàng năm của ngư dân (BBC 9/6/09). Trả lời yêu cầu của ông Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn đến ông Đại sứ TQ Tôn Quốc Tường, ông phát ngôn nhân Tần Cương của TQ cho biết lệnh cấm đánh cá là cần thiết, là biện pháp thông thường và đứng đắn trong vùng lãnh thổ của họ. Báo chí và dư luận ở TQ còn cho là họ làm như vậy và tăng lệnh cấm từ 2 tháng lên 2 tháng rưỡi là để thăm dò ý chí của VN, vì VN đã có hành động khiêu khích như lập quận Hoàng Sa, họ cần cảnh báo để VN không đi quá xa, nếu VN có hành động gì thì TQ sẽ ra tay mà không bị mang tiếng là bắt nạt, và “vũ lực đằng sau lời lẽ là điều cần thiết”.

Bạn bè tốt ??: Tháng 12/2005 TQ đe dọa Công ty dầu Ấn Độ ONGC trong việc hợp tác khai thác với VN ở biển Đông. TQ cũng đe dọa như vậy với Công ty BP của Anh tháng 4/07 khiến BP phải bỏ, và Exxon-Mobil của Mỹ tháng 7/2008. TQ thao diễn quân sự ở TS một tuần từ 16/11/07 và mở tour du lịch cho dân TQ. Ngày 2/12/07 Quốc vụ viện TQ phê chuẩn thành lập huyện Tam Sa để bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Khi VN tổ chức Hội nghị APEC tháng 11/06, TQ cảnh cáo là không được mời Đài Loan tham dự. Trong công tác nhân đạo, tàu bệnh viện USS Peleliu của HK đến cảng Đà Nẵng giữa tháng 7/07 nhưng CSVN không cho lên bờ và không cho dùng trực thăng để di chuyển bệnh nhân vì sợ TQ phật lòng.

Cuối tháng 7/07 ông Du Tích Khôn, Chủ tịch Đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) đã được lãnh đạo VN cấp visa để viếng thăm VN đầu tháng 8/07 nhưng TQ áp lực và lãnh đạo VN hủy bỏ. DPP coi đó là “một hành động lăng mạ phỉ báng” và “hết sức bất nhã” của lãnh đạo VN.

Đại sứ VN ở TQ, ông Trần Văn Luật, cuối tháng 8/07 đã bị TQ gọi đến để huấn thị là báo chí VN phải ngưng đăng những tin tức về sản phẩm TQ thiếu chất lượng mà báo chí trên thế giới đang ồn ào loan tin, nếu không thì hàng hóa VN gặp vấn đề tại biên giới. TQ không làm như vậy với đại sứ của các quốc gia Tây phương trong khi báo chí Tây phương ồn ào nhất về việc này.

Lãnh đạo VN đã đồng ý cho ông Thứ Trưởng Ngoại Giao HK John Negroponte công du VN trong chuyến đi giữa tháng 9/08 nhưng lại hủy bỏ vào giờ phút chót với lý do là thời tiết xấu. Ông Carlyle Thayer tiết lộ là các quan chức VN cho ông biết do TQ áp lực, đe dọa sẽ hủy bỏ chuyến đi TQ của ông Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (BBC 16/8/07 và 29/9/08). Qua các sự kiện này thì ta thấy ai tốt với ai?

Bộ Chỉ huy Giám sát hàng hải của TQ nói rằng đối với các hải đảo và biển, TQ phải kiểm soát và quản lý thay vì cứ nói chứng cớ lịch sử. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Đại học Quốc phòng TQ cho rằng TQ phải kiểm soát thường xuyên và lâu dài vì ngoài nguồn cá còn phải chứng tỏ chủ quyền tối cao. Trong khi đó lãnh đạo VN cứ nhai đi lặp lại một cách sáo rỗng về chứng cớ lịch sử và cơ sở pháp lý mà không có một hành động cụ thể nào cả, kể cả vấn đề tương đối dễ dàng như đưa ra LHQ để đánh động dư luận quốc tế (South China Morning Post 16/4/09).

Về sông Cửu Long , nó là bộ phận cốt lõi trong chu kỳ sinh động của quả địa cầu, sứ mệnh thiêng liêng của nó là bào mòn, chuyển tải và bồi đắp, mang vật chất từ nơi cao để đem về nơi thấp. Tất cả những công trình thủy đập, dù có cao kiến cách mấy cũng làm cho nó mất thăng bằng, làm xáo trộn sự tuần hoàn của quả đất, đóng góp vào sự tuyệt chủng của các sinh vật. Trong lịch sử của quả địa cầu, đã có ít nhất 5 lần đại tuyệt chủng do môi trường biến đổi, và hiện nay có khoảng 400 sinh vật bị tuyệt chủng mỗi ngày (Inquiry into Life, Mader, 12th Ed.). Sự mất thăng bằng trầm trọng của sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự tồn tại của các sinh vật sống ở vùng hạ lưu sông này, nhất là cư dân. Chỉ riêng ở Vân Nam, TQ đã xây 14 đập lớn, dung lượng của một đập Tiểu Loan đã bằng tất cả các hồ chứa ở ĐNA cộng lại. GS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu nước và Môi trường ĐNA nói rằng TQ đang “bức tử” sông Cửu Long. TQ còn lấy nước sông Cửu Long đưa về Trường Giang để bù vào việc họ lấy nước Trường Giang đưa lên mạn Bắc qua việc xây đập Hoàng Hà. Dòng sông đi qua 6 nước, trên nguyên tắc nó là con sông quốc tế và mọi việc phát triển nếu có, phải do cả 6 nước tham dự và quyết định, nhưng TQ không công nhận điều này và tự tiện coi nó là con sông quốc gia, khai thác bất cần hậu quả cho những quốc gia ở hạ nguồn. VN tất nhiên hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất vì là nước ở phía cuối dòng sông (BBC 3/6/09).

Đồng chí tốt ??: Trong chuyến viếng thăm ngày 13/6/09 ở Hà Nội, ông Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, và Trưởng ban Tổ chức Đảng Cộng sản TQ đã ký thỏa thuận với ông Nông Đức Mạnh để đào tạo cán bộ cho VN giai đọan 2009-2015. Trong hệ thống đảng CS, ai cũng biết người Trưởng ban Tổ chức Đảng là người đầy uy quyền trong vấn đề sắp xếp nhân sự. Một ông Trưởng ban Tổ chức Đảng CS TQ đến VN và CSVN cam kết để họ đào tạo nhân sự cho cán bộ đảng mình trong 6 năm tới, cho họ cái quyền đào tạo và sắp đặt nhân sự lâu dài, cho ta thấy rõ sự lệ thuộc của Đảng CSVN vào Đảng CSTQ lớn như thế nào. Trong khi đó thì ông Mạnh hết lời ca ngợi quan hệ 2 bên được nâng lên “tầm cao mới” và hứa sẽ “làm hết sức mình” (BBC 13/6/09). Đây là “tầm cao” Bắc thuộc của quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện mà CSVN vừa nâng cấp năm 2008.

Bà Bảy Vân, vợ ông Lê Duẩn, trả lời phỏng vấn của ông Xuân Hồng đài BBC vào tháng 8/08 nói rằng “TQ lấy cái thế là trước kia ông Phạm Văn Đồng có ký một văn bản cho phép TQ quản lý ở Hoàng Sa vì ‘ngụy‘ đã đóng ở đó”. Đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc hôm 28/5/09 phát biểu trước diễn đàn Quốc hội rằng “bài học lịch sử cho thấy, chỉ một sai sót của Chính phủ, dân tộc phải chịu đựng hậu quả lâu dài”. Ông nói tuy ngoại giao, quốc phòng quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết là lòng yêu nuớc và tinh thần quyết tử của người dân cho sự quyết sinh của tổ quốc. TQ đã mặc nhiên coi Hoàng Sa và vùng biển chung quanh là của họ và chỉ trích VN tiền hậu bất nhất, đã nhường Hoàng Sa cho TQ trước đây sao bây giờ lại đòi. Ông Tần Cương đã nói nhiều lần “VN phản đối là thiếu cơ sở, vì là hoạt động bình thường trong vòng lãnh hải TQ. Tây Sa (Hoàng Sa) và vùng nước kế cận là chủ quyền của TQ không thể chối cãi, và tranh chấp về vùng này giữa TQ và VN là hoàn toàn không có”; “VN có những tuyên bố khác nhau trong những thời điểm lịch sử khác nhau” (BBC 27/11/07 và 9/12/08).

Đối tác tốt ???: Tháng 4/09 ông Thủ Tướng Dũng đi Hải Nam, Quảng Đông, hết lòng ca ngợi TQ, hết lòng đề cao việc thực hiện 2 đại lộ 1 vành đai, trả lời tờ Đại công báo ở Hong Kong rằng phát triển quan hệ với TQ là “chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu” của chính sách đối ngoại VN, nói rằng “năm 2008 nâng quan hệ song phương lên quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Trong khi đó thì thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội VN cho biết có 75.000 lao động nước ngoài làm việc ở VN (con số thực sự có lẽ cao hơn nhiều) và trong đó hơn 37% là bất hợp pháp, chủ yếu là người TQ. Trong khi đó thất nghiệp tại VN gia tăng mà theo TS Nguyễn Quang A của Viện nghiên cứu IDS ở Hà Nội, nó tạo ra một vấn đề xã hội nghiêm trọng vì có những việc trong khả năng mà người VN không được làm. Để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng, tháng 4/09 ông Dũng yêu cầu Bộ Lao động cứu xét và ngày 25/5/09 bà Bộ Trưởng Bộ LĐ Nguyễn Thị Kim Ngân nói Bộ LĐ không có trách nhiệm, đổ lỗi là do các chính quyền địa phương rồi… đứt đuôi ở đó. Ký giả David Pilling, báo Financial Times, nhận xét rằng bauxit là món quà triều cống của lãnh đạo VN cho TQ và VN là nước bị TQ ép nhiều nhất. Triều cống bằng tài nguyên thiên nhiên và công ăn việc làm của dân chúng là những cống phẩm mới của thời đại. Do đó chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cả vú lấp miệng em trong Quốc hội ngày 12/6/09 là ý kiến “ngày càng đồng thuận”, “chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà Nước” và ông Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói nên tránh “ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao”.

Trong khi lãnh đạo VN qụy lụy TQ, thì lòng ái quốc của mọi tầng lớp quần chúng đã vượt qua sự sợ hãi. Đông đảo các khoa học gia và trí thức đã cất cao tiếng nói của mình như các ông Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Nguyễn Thế Hùng. TS Luật Cù Huy Hà Vũ đã can đảm kiện Thủ tướng VN ngày 11/6/09. Các cựu tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng Sỹ Nguyên, đương kim Thiếu tướng công an Lê Văn Cương đã mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ Tây Nguyên (RFA 5/6/09, BBC 28/5 và 14/6/09).

Giữa tháng 5/09 người VN ngỡ ngàng về mạng vietnamchina.gov.vn của chính quyền VN, mà luật về Internet của thế giới quy định cái đuôi gov.vn là của chính quyền VN, do chính quyền VN độc quyền chủ quản, vì nó tiêu biểu cho độc lập, chủ quyền và sự quản lý đất nước. Cái máy computer chủ phải đặt ở trong nước, nhưng trang mạng này lại có máy chủ đặt ở TQ, muốn thay đổi gì, VN phải sử dụng công hàm ngoại giao để xin phép, và nội dung lại tuyên truyền cho sự bành trướng biển Đông của TQ, như ông Tần Cương tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi của TQ ở Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa). Mạng này đã được chính lãnh đạo chóp bu 2 nước là các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Hồ Cẩm Đào, Trương Đình Tuyển, Bạc Hy Lai khai trương ở Hà Nội ngày 16/11/06.

Lãnh đạo VN đã vi phạm luật Internet quốc tế và Điều 88 bộ Luật Hình sự CSVN về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”!!! Công An thay vì bắt họ lại cố ý bắt lầm sang những người đã nhiệt tình bảo vệ VN – họ tìm cách lái sự quan tâm của quần chúng vào vấn đề nhân quyền, vì nó ít nguy hiểm cho chế độ hơn là vấn đề bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc.

Rừng núi dang tay nối lại biển xa (nhạc Trịnh Công Sơn)

Tây Nguyên và Hoàng Sa-Trường Sa đang dang tay réo gọi dân tộc Việt Nam ra sức giữ gìn nối lại. Đây là một thách thức lớn lao của thế kỷ khi dân tộc đang ở trong hai gọng kìm của TQ và nhà cầm quyền VN. Đó là chưa nói đến các cường quốc khác sẵn sàng thủ lợi, thương lượng trên đầu dân tộc VN.

Sau ngoại giao bóng bàn tháng 4/1971, Hoa Kỳ và TQ trở nên thân thiện hơn để chống Liên Xô, tạo điều kiện cho HK rút quân trong những năm sau đó qua chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”. HK đã trả ơn này cho TQ bằng cách để hải quân HK đứng nhìn TQ đánh chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974. Sau khi ông Đặng Tiểu Bình viếng HK vào tháng 1/1979 thì tháng 2/79 TQ mang 200.000 quân đánh VN.

Chuyên gia Nga Sergei Blagov nói với BBC (14/5/09) nhân vụ Nga bán 6 tàu ngầm cho VN là Nga coi trọng quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự với TQ hơn VN.

HK đang thiếu nợ TQ tính đến tháng 4/09 là 763.5 tỷ đô la thì làm sao HK có thể bênh vực VN được nếu TQ tấn công VN? TQ chỉ cần đòi nợ là kinh tế HK sẽ bị hắt hơi (treas.gov/tic/mfh.txt). Nhiều người hy vọng rằng tàu khảo sát hải dương của HK, USNS Bruce Heezen, ngày 11/6/09 bắt đầu hoạt động ở vùng biển VN để tìm kiếm quân nhân HK mất tích trong chiến tranh là một lý cớ để hải quân HK giúp VN bảo vệ biển Đông. Nhưng ông Đại Sứ HK ở VN, Michael Michalak, trả lời phỏng vấn (VOA 15/6/09) cho biết hoàn toàn là một vấn đề nhân đạo, đã được bàn thảo 3, 4 năm trước đây và đây là lần thứ hai chứ không phải lần đầu.

Điều này cho ta thấy là vấn đề an nguy của VN phải do chính người VN hy sinh bảo vệ. Ngày xưa ông cha ta chỉ dựa vào sức mạnh của toàn dân để đánh Tàu giành độc lập. Trong khi ở Cao Miên các lãnh đạo của họ tranh ngôi, cầu viện Xiêm La và VN, mỗi lần như vậy là một vài tỉnh của Miên bị mất. Sức mạnh quần chúng đã được chứng tỏ một cách rõ rệt qua sự thành công của các cuộc cách mạng ôn hòa ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi vì bao giờ thì “lòng bảo vệ quốc gia dân tộc của dân chúng cũng là chính nghĩa sáng ngời” (BBC 18/6/09). Dân tộc Việt Nam có bị khuất phục hay không? Câu trả lời đã có từ hai thiên niên kỷ nay: tuyệt đối không! Chỉ cần Đảng cầm quyền đừng đánh mất lương tri, kìm kẹp dân tộc đến mức hoàn toàn suy kiệt, khiến cho tiềm năng của 84 triệu con người không còn sức để mà quật khởi nữa, và đành phả i cam tâm làm một thứ anh em với Miến Điện, với Bắc Hàn. Chỉ cần có thế, con rồng ngủ trong lòng dân tộc sẽ vùng lên. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng thấy lý đương nhiên như thế.

Hồi ký của Nguyên thứ trưởng ngoại giao VN Trần Quang Cơ

Tình cờ đọc lại hồi ký của Thứ trưởng ngoại giao Trần quang Cơ viết vào năm 1991 ,cách đây 20 năm ...sự tiên đoán về chiến lược cứ như là sắp đặt cho 20 năm sau .
Nếu so sánh với hành động của bộ trưởng ngoại giao của TQ xóa sạch thành quả mấy chục năm của TQ đối với các nước ASEAN & Mỹ ..thì BT NG TQ của đất nước 1,3 tỷ này chỉ đáng xách dép cho ông Trần Quang Cơ .

NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TA

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỐI SÁCH

(Viết theo yêu cầu của Thường trực BCT và đã gửi các đồng chí Thường trực BCT ngày 20.6.1993)

Những biến đổi lớn trong chính trị thế giới những năm gần đây cũng như những biến đổi lớn của tình hình kinh tế thế giới và những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã tác động tổng hợp vào sự hình thành cục diện chiến lược ngày nay với những xu thế mới ngày càng thể hiện rõ nét.

Bối cảnh chung này đã thúc đẩy tất cả các nước lớn nhỏ, đã phát triển hay đang phát triển, phải điều chỉnh lại chiến lược, điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên các mục tiêu chiến lược của mình sao cho phù hợp đặc điểm tình hình thế giới mới và những xu thế chung hiện nay.

Một vấn đề lớn đặt ra cho mỗi nước là sớm xác định được những cơ hội và nhất là những thách thức trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Đối với ta, trong khi phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược là sớm đưa đất nước “ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển với nhịp độ mới vào đầu thế kỷ 21”, để bảo đảm hoà bình và ổn định chúng ta cần tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề cấp bách là: hiện nay về mặt đối ngoại đất nước ta đang đứng trước những thách thức, đe doạ chủ yếu gì? có thể từ đâu đến và dưới dạng nào ? Đâu là mối đe doạ trực tiếp nhất, thúc bách nhất cần đối phó ? Phương hướng xử lý, trong đó có vấn đề tập hợp lực lượng để đối phó với những đe doạ, thách thức đó sao cho phù hợp với khả năng còn rất hạn chế về mọi mặt của ta ?

I. Những thách thức đe doạ an ninh và phát triển của ta có thể xuất xứ từ đâu và dưới những dạng nào ?

Hơn 2 năm qua kể từ Đại hội Đảng lần thứ 7, trên cơ sở những thành tựu trong công cuộc Đổi mới trong nước, việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá quan hệ theo hướng “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, chúng ta đã cải thiện một bước đáng kể vị trí nước ta trên quốc tế. Quan trọng nhất là ta đã phá được một bước quan trọng thế bị cô lập về chính trị, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho việc giữ vững hoà bình và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong tình hình quan hệ đối ngoại của ta đã bị đảo lộn ghê gớm với sự tan rã của hệ thống các nước bạn bè ở Liên Xô và Đông Âu thì những kết quả này mới chỉ là bước đầu và chưa thật vững chắc. Về chính trị, ta chưa tạo được hậu thuẫn quốc tế thay thế cho những chỗ dựa truyền thống mà ta vừa mất đi. Về kinh tế, đất nước ta còn ở tình trạng lạc hậu về kinh tế, KHKT so với nhiều nước trong khu vực và chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế – xã hội. Ngày nay quan hệ giữa ta và các nước chủ yếu dựa trên cơ sở lợi ích tương đồng, trên từng mặt, từng vấn đề; hoàn toàn khác với phương thức tập hợp lực lượng truyền thống trước đây và đối với bất cứ đối tác nào cũng đều có hai mặt hợp tác và đấu tranh rất phức tạp. Trong khi đó, những đe doạ thách thức đã và đang nảy sinh từ những phía khác nhau, trước mắt và trong tương lai gần.

Trên cơ sở dự báo chiến lược, những đối tượng chính trước mắt hoặc sau này có thể tạo nên những đe doạ thách thức chủ yếu đối với sự nghiệp an ninh và phát triển của ta là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Thái Lan .

Sau đây là những dạng thách thức đe doạ mà mỗi đối tượng có thể gây ra đối với ta:

1. Trung Quốc: Sau hơn 1 năm bình thường hoá, quan hệ Việt –Trung có nhiều mặt được thúc đẩy như trao đổi đoàn qua lại, mở một số cửa khẩu, buôn bán biên giới... Song mặt tiêu cực và hạn chế đang nổi lên, nhiều hiệp định đã ký kết và nhiều thoả thuận ở cấp cao chưa được thực hiện. Đặc biệt từ đầu năm 1993, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp tổng hợp để tăng sức ép và tạo thêm nhiều khó khăn cho ta, gây tình hình không ổn định cho ta cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm làm chậm đà phát triển kinh tế của ta và kìm hãm việc mở rộng quan hệ đối ngoại của ta trước hết là ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Những thách thức và đe doạ của Trung Quốc đối với ta đang được thể hiện ngày càng rõ nét dưới các dạng chính sau đây:

a. Xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta trên bộ và trên biển: trong khi trên bộ, Trung Quốc không có dấu hiệu nào muốn giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lại còn làm xấu thêm tình hình (xâm canh xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc, lấn sang phía ta) thì trên biển Trung Quốc liên tiếp có những bước leo thang nghiêm trọng từ tranh chấp ngoài biển Đông, Trung Quốc đã từng bước ngày càng lấn sâu vào thềm lục địa, ngay trong khu vực ta đã phân lô ký kết với các công ty nước ngoài và đang thăm dò khai thác dầu khí (đầu tháng 5.93, Trung Quốc cho tàu “FENDOU 4” vào thăm dò địa chấn ở khu vực lô 6 nằm sâu trong thềm lục địa của ta) bộc lộ ý đồ biến một số khu vực trong thềm lục địa của ta thành vùng tranh chấp, đang chuẩn bị dư luận để đưa đảo Bạch Long Vĩ vào diện tranh chấp.

b. Phá môi trường quốc tế hoà bình ổn định của Việt Nam với những hoạt động: ở Campuchia, thông qua Khmer Đỏ khuấy động vấn đề người Việt Nam ở Campuchia đồng thời làm cho tình hình Campuchia khó đi vào ổn định; lôi kéo 3 nước (Thái, Miến, Lào) thành một cụm liên kết kinh tế ở Đông Nam Á lục địa thượng lưu sông Mêkông gắn với Trung Quốc, tách rời Việt Nam; khủng hoảng biển Đông kéo dài cũng có tác động phá môi trường phát triển của Việt Nam.

c. Gây mất ổn định chính trị, kinh tế bên trong Việt Nam: nêu trở lại “vấn đề người Hoa”, đẩy số người Hoa đã bỏ về Trung Quốc từ những năm 78, 79 trở lại Việt Nam; thông qua Khmer Đỏ dồn đuổi Việt kiều ở Campuchia về nước; gây sức ép với Hồng Kông đưa toàn bộ số thuyền nhân ở đó về Việt Nam trước năm 1997; để hàng lậu từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch bán hàng vào Việt Nam với giá rất rẻ gây rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ở nước ta.

d. Kìm hãm phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam: tiếp tục bắt giữ tàu thuyền của ta (số lượng nhiều hơn 1992: 28 chiếc); chống việc ICAO trả lại vùng FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam.


2. Mỹ có thể thách thức đe doạ an ninh và

phát triển của Việt Nam qua các dạng:

a. Mỹ là nước lớn duy nhất hiện nay chưa bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và còn tiếp tục chính sách cấm vận gây trở ngại cho các tổ chức quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới...) và các nước khác trong việc viện trợ tài chính và hợp tác với ta phát triển kinh tế.

b. Tiến hành diễn biến hoà bình: thông qua những cái gọi là đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ép ta đa nguyên, đa đảng; kích động các vấn đề tôn giáo, dân tộc thiểu số để gây tình hình phức tạp làm mất ổn định chống ta.

c. Nuôi dưỡng những phần tử phản động hoặc thoái hoá biến chất còn lại ở Việt Nam và các lực lượng phản động người Việt đang ở nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi thì gây bạo loạn, lật đổ như đã làm ở một số nước.


3. Nhật Bản trước mắt là một đối tượng hợp tác chính của ta để thực hiện yêu cầu phát triển nhanh kinh tế Việt Nam, song ta vẫn phải dự phòng về lâu dài những khả năng xấu từ phía Nhật:

a. Trước hết là cùng với việc tăng cường đầu tư viện trợ, Nhật sẽ từng bước thao túng kinh tế Việt Nam và đưa Việt Nam và cả Đông Nam Á vào quỹ đạo Nhật Bản phục vụ cho tham vọng bá quyền khu vực và thế giới của Nhật Bản về kinh tế cũng như về chính trị.

b. Mặt khác, cùng với tham vọng về chính trị và kinh tế được thực hiện từng bước, chủ nghĩa quân phiệt Nhật có thể được phục hồi nhằm trở thành một siêu cường toàn diện ở khu vực và trên thế giới. Nguy cơ này sẽ có hậu quả trực tiếp tới khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam.

4. Thái Lan hiện là một bộ phận của ASEAN mà ta đang tích cực tranh trủ hợp tác cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng chủ nghĩa “Đại Thái” xưa nay là nguy cơ truyền thống đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, hiện vẫn tồn tại và đầy tham vọng.

Thái luôn coi Việt Nam là một đối thủ tiềm tàng về kinh tế cũng như về chính trị. Vì vậy thách thức của Thái đối với ta có thể đến từ hai phía:

a. Về kinh tế, Thái có lợi ích kiềm chế nhịp độ phát triển của Việt Nam (vấn đề Uỷ ban Mêkông, FIR Hồ Chí Minh) đồng thời tận dụng được Việt Nam như một thị trường tiêu thụ hàng Thái và một nguồn cung cấp nguyên liệu (lâm

sản, hải sản, khoảng sản).

b. Về chính trị, quân sự, Thái có lợi ích biến Lào và Campuchia từ những đồng minh của Việt Nam thành vùng chịu ảnh hưởng Thái nhiều hơn. Đồng thời Thái vẫn có thể cung cấp căn cứ địa cho các lực lượng phản động Việt Nam thâm nhập phá hoại nội địa ta.


II. Nguy cơ lớn nhất và thúc bách nhất đe doạ an ninh và phát triển của ta là từ đâu ?

Trong 4 đối tượng có thể tạo nên nguy cơ đe doạ ta, có những nước lớn cỡ toàn cầu hoặc khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật; riêng Thái Lan là nước ngang tầm với ta nên mức độ thách thức đối với ta không so được với các nước lớn. Trong các dạng thách thức khác nhau của cả 4 đối tượng, có nhiều điều mới trên cơ sở giả định hoặc dự phòng để cảnh giác, song có những điều đang là hiện thực, đang là những vấn đề thực tế và thúc bách đặt ra trước mắt ta. Vì vậy với khả năng rất hạn hẹp về mọi mặt của ta, ta cần phân biệt rõ đâu là nguy cơ lớn nhất trực tiếp đe doạ những lợi ích sống còn của dân tộc Việt Nam để tập trung trí lực và vận dụng cao độ sách lược đối ngoại đối phó lại. Trước hết chắc chắn đó không phải là Nhật hay Thái Lan. Đó chỉ có thể là Mỹ hay Trung Quốc.

1. Chiến lược của Mỹ và ý đồ Mỹ đối với Việt Nam

Sau sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ gặp phải nhiều thách thức hơn là cơ hội. Thách thức bởi những vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách trong nước, thách thức bởi những đối thủ vốn là đồng minh cũ của Mỹ trong chiến tranh lạnh như Nhật, EC. Vì vậy, mục tiêu chiến lược của Mỹ phải điều chỉnh lại một cách thực tế và khiêm tốn hơn: cố gắng duy trì vị trí số một trên thế giới và ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện đang trở thành vũ đài chính của thế giới. Trước thách thức ngày càng lớn của các trung tâm kinh tế phương Tây, việc xoá CNXH ở châu Á chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay.

Khoảng cách về so sánh lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác không còn quá lớn như trước, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trên, phương hướng của Mỹ chủ yếu là tạo một cân bằng lực lượng giữa các đối thủ có tiềm năng đe doạ vị trí số một thế giới của Mỹ, dùng đối thủ này kiềm chế đối thủ kia, thông qua hợp tác để kiềm chế các đối thủ, tăng cường vai trò các thể chế quốc tế (như LHQ) trong việc xử lý các xung đột khu vực, tạo thành một thế ổn định chung có lợi cho Mỹ.

Ở châu Á - Thái Bình Dương cũng vậy, Mỹ đang cô lập nên trật tự khu vực mới trên cơ sở tam giác chiến lược mới Mỹ – Nhật – Trung thay cho tam giác Mỹ – Xô - Trung ngày trước, trong đó Mỹ vừa tranh thủ và họp tác với Trung Quốc mà chủ yếu là với Nhật, vừa cảnh giác kiềm chế cả hai, chủ yếu là Trung Quốc.

Riêng với Trung Quốc, Mỹ rất coi trọng vai trò của đất nước có hơn 1 tỷ dân này trong kế hoạch tạo lập một trật tự quốc tế mới. Mỹ cần thúc đẩy và tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, nhất là trong việc xử lý các cuộc xung đột khu vực trong Hội đồng Bảo an LHQ mà Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết. Vì vậy chắc chắn Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Mỹ sẽ không trực tiếp can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu tranh chấp đó không đụng chạm đến lợi ích của Mỹ và đến ổn định của cả khu vực.

Song cũng vì lợi ích chiến lược của Mỹ, Mỹ không thể khuyến khích hoặc làm ngơ để Trung Quốc tự do bành trướng xuống Đông Nam Á. Trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, chính quyền Clinton đã tỏ ra coi trọng vai trò Đông Nam Á hơn trước. Có thể vì đây là một vùng khá năng động về phát triển kinh tế, đồng thời lại có một cơ chế tiểu khu vực có sức sống và gắn bó với lợi ích kinh tế của Mỹ. Song mặt khác vì đây đang là hướng bung ra của Trung Quốc trong ý đồ lấp “khoảng trống quyền lực” sau khi Liên Xô tan rã và Mỹ thu bớt sự có mặt quân sự ở Đông Nam Á. Lợi ích của Mỹ là tạo ra được ở đây một Đông Nam Á ổn định và đủ mạnh để cản bước Trung Quốc trong chiến lược “biên giới mềm” và “mở rộng không gian sinh tồn”. Ý đồ của Mỹ là từng bước thúc đẩy việc mở rộng ASEAN thành một tổ chức chung cho cả 10 nước Đông Nam Á, có khả năng trở thành một đối trọng đáng kể đối với Trung Quốc bảo đảm ổn định khu vực. Trong kế hoạch tạo lập một cơ chế an ninh khu vực của châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Nhật và phương Tây nói chung đều đã lấy ASEAN làm cốt lõi về tổ chức. Hội nghị thường niên giữa ASEAN và 6 nước đối tác đang trở thành diễn đàn trao đổi về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga cũng tỏ thái độ ủng hộ phương hướng này. Riêng Trung Quốc không mặn mà.

Vậy có khả năng Mỹ đồng tình hay cấu kết với Trung Quốc chống Việt Nam không ? Trước đây Mỹ và Trung Quốc hợp lực chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia là vì cả hai cùng có yêu cầu chung là đánh vào Liên Xô và xoá bỏ ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Nay Liên Xô đã sụp đổ, thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi, nếu Mỹ lại đi với Trung Quốc chống Việt Nam thì chẳng khác gì là đẩy Việt Nam vào tình thế hoặc chủ động liên minh với Trung Quốc hoặc phải khuất phục trước sức mạnh của Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện cho Trung Quốc từng bước khống chế cả Đông Nam Á một cách dễ dàng và nhanh chóng trở thành một trong những đối thủ đe doạ vị trí số 1 của Mỹ trên toàn cầu. Điều này hoàn toàn ngược lại mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Mặt khác, một nước Việt Nam đổi mới, độc lập với Nga, Trung Quốc cũng như không chịu sự chi phối của Nhật, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở khu vực. Việt Nam tuy không có một vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Hơn nữa về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường và nguồn nhiên liệu của Việt Nam. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ đi mạnh vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích có phần nào trùng hợp với ta như trên, mặt tiêu cực trong chính sách của Mỹ đối với ta không nhỏ. Mỹ không thể từ bỏ ý đồ diễn biến hoà bình với ta. Tuy nhiên Mỹ có làm được hay không chủ yếu còn tuỳ thuộc vào khả năng giữ vững ổn định chính trị trong nước của ta, tức là tuỳ thuộc vào bản lĩnh chính trị của Đảng ta và sự vững vàng cảnh giác của cán bộ và nhân dân ta và sự gắn bó giữa dân với Đảng. Ở đây nhân tố vững mạnh bên trong có ý nghĩa quyết định. Thắng lợi của công cuộc Đổi mới, sự ổn định về kinh tế – xã hội ở nước ta và việc không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng trong quá trình đa dạng hóa và mở rộng quan hệ quốc tế sẽ là đảm bảo tốt nhất hạn chế tác động của mọi thủ đoạn diễn biến hoà bình. Mặt khác cũng phải thấy rõ không phải Mỹ tập trung chống phá Việt Nam với bất cứ giá nào vì Mỹ có những ưu tiên chiến lược lớn hơn và hơn nữa hiện nay Mỹ đang có những lợi ích trùng hợp với ta ở khu vực mà ta có thể tranh thủ lợi dụng để phục vụ hữu hiệu cho mục tiêu chiến lược của ta.

2. Chiến lược của Trung Quốc và ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam

Trái với Mỹ, Trung Quốc thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới ngày nay, một “cơ hội ngàn năm có một”. Đối với Trung Quốc cơ hội đang tăng lên, còn thách thức giảm đi. Trong khi Mỹ cảm thấy cần co bớt lại để củng cố và phòng ngự là chính thì Trung Quốc nuôi tham vọng lớn là muốn vươn lên trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực mới. Trong khi hiện đại hoá trên 4 mặt vẫn là cứu cánh chính để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc không ngừng tranh thủ mọi cơ hội có được để thực hiện kế hoạch bành trướng, gây mất ổn định của nước khác (Campuchia, Myanmar) để mưu lợi cho mình. Do hiện nay thế cũng như lực chưa đủ mạnh, nên họ thực hiện ý đồ một cách tính toán thận trọng tuỳ theo diễn biến của tình hình khu vực, phản ứng của các đối thủ và thực lực của chính họ.

Trước mắt Trung Quốc đang ra sức thực hiện ý đồ nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, có địa vị ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. Trung Quốc đặt mục tiêu lấn chiếm toàn bộ biển Đông ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, vì kiểm soát được biển Đông tức là khống chế được cả Đông Nam Á và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái bình dương qua Ấn Độ Dương, và cũng là khu vực giầu tài nguyên nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở khu vực này ngang Vịnh Ba Tư) mà Trung Quốc đang cần để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Đáng chú ý là trong khi Trung Quốc mở một chiến dịch hoạt động ngoại giao rộng lớn nhằm tranh thủ tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tất cả các nước công nghiệp hoá phương Tây, tranh thủ các nước đang phát triển và không liên kết hòng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới thứ ba, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng cùng chung biên giới, đặc biệt là gần đây tăng cường lôi kéo các nước khu vực Đông Nam Á để phá thế “quần lang đấu hổ”, thì Trung Quốc luôn tập trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ phương sách để tỏ rõ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ. Phải chăng vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là điểm yếu và dễ tính để lấn nhất lúc này (khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và là trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của Trung Quốc.

Những hoạt động bất lợi đối với Việt Nam của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới vì Trung Quốc cho rằng tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc lấn ép Việt Nam mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất vì Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và Việt Nam còn chưa phát triển; vấn đề Campuchia đang còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế; cơ chế an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa hình thành. Trung Quốc đặt năm 1997 thành một mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc: năm 1997 là năm Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và cũng có thể là năm thực hiện một bước kế hoạch hình thành “vành đai kinh tế Đại Trung Hoa” bao quanh Đông Nam Á; năm 1997 là năm quân đội Trung Quốc sẽ được trang bị hàng không mẫu hạm và các trang bị tối tân khác, đặc biệt về hải không quân để có thể vươn ra khắp biển Đông; có tin Trung Quốc đang cố rút ngắn mục tiêu của năm 2000 xuống năm 1997 sẽ tăng tổng sản phẩm quốc dân lên gấp 4 lần. Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc.

3. Những phân tích tình hình trên đây có thể dẫn đến kết luận: Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Những mâu thuẫn về lợi ích trên các mặt giữa ta với Trung Quốc có nhiều hơn với các đối tượng khác.