Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Hồi ký của Nguyên thứ trưởng ngoại giao VN Trần Quang Cơ

Tình cờ đọc lại hồi ký của Thứ trưởng ngoại giao Trần quang Cơ viết vào năm 1991 ,cách đây 20 năm ...sự tiên đoán về chiến lược cứ như là sắp đặt cho 20 năm sau .
Nếu so sánh với hành động của bộ trưởng ngoại giao của TQ xóa sạch thành quả mấy chục năm của TQ đối với các nước ASEAN & Mỹ ..thì BT NG TQ của đất nước 1,3 tỷ này chỉ đáng xách dép cho ông Trần Quang Cơ .

NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TA

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỐI SÁCH

(Viết theo yêu cầu của Thường trực BCT và đã gửi các đồng chí Thường trực BCT ngày 20.6.1993)

Những biến đổi lớn trong chính trị thế giới những năm gần đây cũng như những biến đổi lớn của tình hình kinh tế thế giới và những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã tác động tổng hợp vào sự hình thành cục diện chiến lược ngày nay với những xu thế mới ngày càng thể hiện rõ nét.

Bối cảnh chung này đã thúc đẩy tất cả các nước lớn nhỏ, đã phát triển hay đang phát triển, phải điều chỉnh lại chiến lược, điều chỉnh lại thứ tự ưu tiên các mục tiêu chiến lược của mình sao cho phù hợp đặc điểm tình hình thế giới mới và những xu thế chung hiện nay.

Một vấn đề lớn đặt ra cho mỗi nước là sớm xác định được những cơ hội và nhất là những thách thức trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược của mình. Đối với ta, trong khi phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược là sớm đưa đất nước “ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế – xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo điều kiện cho đất nước phát triển với nhịp độ mới vào đầu thế kỷ 21”, để bảo đảm hoà bình và ổn định chúng ta cần tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề cấp bách là: hiện nay về mặt đối ngoại đất nước ta đang đứng trước những thách thức, đe doạ chủ yếu gì? có thể từ đâu đến và dưới dạng nào ? Đâu là mối đe doạ trực tiếp nhất, thúc bách nhất cần đối phó ? Phương hướng xử lý, trong đó có vấn đề tập hợp lực lượng để đối phó với những đe doạ, thách thức đó sao cho phù hợp với khả năng còn rất hạn chế về mọi mặt của ta ?

I. Những thách thức đe doạ an ninh và phát triển của ta có thể xuất xứ từ đâu và dưới những dạng nào ?

Hơn 2 năm qua kể từ Đại hội Đảng lần thứ 7, trên cơ sở những thành tựu trong công cuộc Đổi mới trong nước, việc triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá quan hệ theo hướng “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”, chúng ta đã cải thiện một bước đáng kể vị trí nước ta trên quốc tế. Quan trọng nhất là ta đã phá được một bước quan trọng thế bị cô lập về chính trị, tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho việc giữ vững hoà bình và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong tình hình quan hệ đối ngoại của ta đã bị đảo lộn ghê gớm với sự tan rã của hệ thống các nước bạn bè ở Liên Xô và Đông Âu thì những kết quả này mới chỉ là bước đầu và chưa thật vững chắc. Về chính trị, ta chưa tạo được hậu thuẫn quốc tế thay thế cho những chỗ dựa truyền thống mà ta vừa mất đi. Về kinh tế, đất nước ta còn ở tình trạng lạc hậu về kinh tế, KHKT so với nhiều nước trong khu vực và chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế – xã hội. Ngày nay quan hệ giữa ta và các nước chủ yếu dựa trên cơ sở lợi ích tương đồng, trên từng mặt, từng vấn đề; hoàn toàn khác với phương thức tập hợp lực lượng truyền thống trước đây và đối với bất cứ đối tác nào cũng đều có hai mặt hợp tác và đấu tranh rất phức tạp. Trong khi đó, những đe doạ thách thức đã và đang nảy sinh từ những phía khác nhau, trước mắt và trong tương lai gần.

Trên cơ sở dự báo chiến lược, những đối tượng chính trước mắt hoặc sau này có thể tạo nên những đe doạ thách thức chủ yếu đối với sự nghiệp an ninh và phát triển của ta là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật và Thái Lan .

Sau đây là những dạng thách thức đe doạ mà mỗi đối tượng có thể gây ra đối với ta:

1. Trung Quốc: Sau hơn 1 năm bình thường hoá, quan hệ Việt –Trung có nhiều mặt được thúc đẩy như trao đổi đoàn qua lại, mở một số cửa khẩu, buôn bán biên giới... Song mặt tiêu cực và hạn chế đang nổi lên, nhiều hiệp định đã ký kết và nhiều thoả thuận ở cấp cao chưa được thực hiện. Đặc biệt từ đầu năm 1993, Trung Quốc dùng nhiều biện pháp tổng hợp để tăng sức ép và tạo thêm nhiều khó khăn cho ta, gây tình hình không ổn định cho ta cả bên trong lẫn bên ngoài nhằm làm chậm đà phát triển kinh tế của ta và kìm hãm việc mở rộng quan hệ đối ngoại của ta trước hết là ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Những thách thức và đe doạ của Trung Quốc đối với ta đang được thể hiện ngày càng rõ nét dưới các dạng chính sau đây:

a. Xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta trên bộ và trên biển: trong khi trên bộ, Trung Quốc không có dấu hiệu nào muốn giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lại còn làm xấu thêm tình hình (xâm canh xâm cư, xây kè cống làm thay đổi dòng chảy các sông suối biên giới có lợi cho Trung Quốc, lấn sang phía ta) thì trên biển Trung Quốc liên tiếp có những bước leo thang nghiêm trọng từ tranh chấp ngoài biển Đông, Trung Quốc đã từng bước ngày càng lấn sâu vào thềm lục địa, ngay trong khu vực ta đã phân lô ký kết với các công ty nước ngoài và đang thăm dò khai thác dầu khí (đầu tháng 5.93, Trung Quốc cho tàu “FENDOU 4” vào thăm dò địa chấn ở khu vực lô 6 nằm sâu trong thềm lục địa của ta) bộc lộ ý đồ biến một số khu vực trong thềm lục địa của ta thành vùng tranh chấp, đang chuẩn bị dư luận để đưa đảo Bạch Long Vĩ vào diện tranh chấp.

b. Phá môi trường quốc tế hoà bình ổn định của Việt Nam với những hoạt động: ở Campuchia, thông qua Khmer Đỏ khuấy động vấn đề người Việt Nam ở Campuchia đồng thời làm cho tình hình Campuchia khó đi vào ổn định; lôi kéo 3 nước (Thái, Miến, Lào) thành một cụm liên kết kinh tế ở Đông Nam Á lục địa thượng lưu sông Mêkông gắn với Trung Quốc, tách rời Việt Nam; khủng hoảng biển Đông kéo dài cũng có tác động phá môi trường phát triển của Việt Nam.

c. Gây mất ổn định chính trị, kinh tế bên trong Việt Nam: nêu trở lại “vấn đề người Hoa”, đẩy số người Hoa đã bỏ về Trung Quốc từ những năm 78, 79 trở lại Việt Nam; thông qua Khmer Đỏ dồn đuổi Việt kiều ở Campuchia về nước; gây sức ép với Hồng Kông đưa toàn bộ số thuyền nhân ở đó về Việt Nam trước năm 1997; để hàng lậu từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam qua con đường tiểu ngạch bán hàng vào Việt Nam với giá rất rẻ gây rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ở nước ta.

d. Kìm hãm phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam: tiếp tục bắt giữ tàu thuyền của ta (số lượng nhiều hơn 1992: 28 chiếc); chống việc ICAO trả lại vùng FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam.


2. Mỹ có thể thách thức đe doạ an ninh và

phát triển của Việt Nam qua các dạng:

a. Mỹ là nước lớn duy nhất hiện nay chưa bình thường hoá quan hệ với Việt Nam và còn tiếp tục chính sách cấm vận gây trở ngại cho các tổ chức quốc tế (Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới...) và các nước khác trong việc viện trợ tài chính và hợp tác với ta phát triển kinh tế.

b. Tiến hành diễn biến hoà bình: thông qua những cái gọi là đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ép ta đa nguyên, đa đảng; kích động các vấn đề tôn giáo, dân tộc thiểu số để gây tình hình phức tạp làm mất ổn định chống ta.

c. Nuôi dưỡng những phần tử phản động hoặc thoái hoá biến chất còn lại ở Việt Nam và các lực lượng phản động người Việt đang ở nước ngoài khi có điều kiện thuận lợi thì gây bạo loạn, lật đổ như đã làm ở một số nước.


3. Nhật Bản trước mắt là một đối tượng hợp tác chính của ta để thực hiện yêu cầu phát triển nhanh kinh tế Việt Nam, song ta vẫn phải dự phòng về lâu dài những khả năng xấu từ phía Nhật:

a. Trước hết là cùng với việc tăng cường đầu tư viện trợ, Nhật sẽ từng bước thao túng kinh tế Việt Nam và đưa Việt Nam và cả Đông Nam Á vào quỹ đạo Nhật Bản phục vụ cho tham vọng bá quyền khu vực và thế giới của Nhật Bản về kinh tế cũng như về chính trị.

b. Mặt khác, cùng với tham vọng về chính trị và kinh tế được thực hiện từng bước, chủ nghĩa quân phiệt Nhật có thể được phục hồi nhằm trở thành một siêu cường toàn diện ở khu vực và trên thế giới. Nguy cơ này sẽ có hậu quả trực tiếp tới khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam.

4. Thái Lan hiện là một bộ phận của ASEAN mà ta đang tích cực tranh trủ hợp tác cả về kinh tế lẫn chính trị. Nhưng chủ nghĩa “Đại Thái” xưa nay là nguy cơ truyền thống đối với an ninh và phát triển của Việt Nam, hiện vẫn tồn tại và đầy tham vọng.

Thái luôn coi Việt Nam là một đối thủ tiềm tàng về kinh tế cũng như về chính trị. Vì vậy thách thức của Thái đối với ta có thể đến từ hai phía:

a. Về kinh tế, Thái có lợi ích kiềm chế nhịp độ phát triển của Việt Nam (vấn đề Uỷ ban Mêkông, FIR Hồ Chí Minh) đồng thời tận dụng được Việt Nam như một thị trường tiêu thụ hàng Thái và một nguồn cung cấp nguyên liệu (lâm

sản, hải sản, khoảng sản).

b. Về chính trị, quân sự, Thái có lợi ích biến Lào và Campuchia từ những đồng minh của Việt Nam thành vùng chịu ảnh hưởng Thái nhiều hơn. Đồng thời Thái vẫn có thể cung cấp căn cứ địa cho các lực lượng phản động Việt Nam thâm nhập phá hoại nội địa ta.


II. Nguy cơ lớn nhất và thúc bách nhất đe doạ an ninh và phát triển của ta là từ đâu ?

Trong 4 đối tượng có thể tạo nên nguy cơ đe doạ ta, có những nước lớn cỡ toàn cầu hoặc khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật; riêng Thái Lan là nước ngang tầm với ta nên mức độ thách thức đối với ta không so được với các nước lớn. Trong các dạng thách thức khác nhau của cả 4 đối tượng, có nhiều điều mới trên cơ sở giả định hoặc dự phòng để cảnh giác, song có những điều đang là hiện thực, đang là những vấn đề thực tế và thúc bách đặt ra trước mắt ta. Vì vậy với khả năng rất hạn hẹp về mọi mặt của ta, ta cần phân biệt rõ đâu là nguy cơ lớn nhất trực tiếp đe doạ những lợi ích sống còn của dân tộc Việt Nam để tập trung trí lực và vận dụng cao độ sách lược đối ngoại đối phó lại. Trước hết chắc chắn đó không phải là Nhật hay Thái Lan. Đó chỉ có thể là Mỹ hay Trung Quốc.

1. Chiến lược của Mỹ và ý đồ Mỹ đối với Việt Nam

Sau sự tan rã của Liên Xô và sự kết thúc chiến tranh lạnh, Mỹ gặp phải nhiều thách thức hơn là cơ hội. Thách thức bởi những vấn đề kinh tế – xã hội cấp bách trong nước, thách thức bởi những đối thủ vốn là đồng minh cũ của Mỹ trong chiến tranh lạnh như Nhật, EC. Vì vậy, mục tiêu chiến lược của Mỹ phải điều chỉnh lại một cách thực tế và khiêm tốn hơn: cố gắng duy trì vị trí số một trên thế giới và ở châu Á - Thái Bình Dương, hiện đang trở thành vũ đài chính của thế giới. Trước thách thức ngày càng lớn của các trung tâm kinh tế phương Tây, việc xoá CNXH ở châu Á chưa phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay.

Khoảng cách về so sánh lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác không còn quá lớn như trước, để thực hiện được mục tiêu chiến lược trên, phương hướng của Mỹ chủ yếu là tạo một cân bằng lực lượng giữa các đối thủ có tiềm năng đe doạ vị trí số một thế giới của Mỹ, dùng đối thủ này kiềm chế đối thủ kia, thông qua hợp tác để kiềm chế các đối thủ, tăng cường vai trò các thể chế quốc tế (như LHQ) trong việc xử lý các xung đột khu vực, tạo thành một thế ổn định chung có lợi cho Mỹ.

Ở châu Á - Thái Bình Dương cũng vậy, Mỹ đang cô lập nên trật tự khu vực mới trên cơ sở tam giác chiến lược mới Mỹ – Nhật – Trung thay cho tam giác Mỹ – Xô - Trung ngày trước, trong đó Mỹ vừa tranh thủ và họp tác với Trung Quốc mà chủ yếu là với Nhật, vừa cảnh giác kiềm chế cả hai, chủ yếu là Trung Quốc.

Riêng với Trung Quốc, Mỹ rất coi trọng vai trò của đất nước có hơn 1 tỷ dân này trong kế hoạch tạo lập một trật tự quốc tế mới. Mỹ cần thúc đẩy và tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, nhất là trong việc xử lý các cuộc xung đột khu vực trong Hội đồng Bảo an LHQ mà Trung Quốc là một thành viên có quyền phủ quyết. Vì vậy chắc chắn Mỹ sẽ không vì Việt Nam mà làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ với Trung Quốc. Mỹ sẽ không trực tiếp can thiệp vào các tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu tranh chấp đó không đụng chạm đến lợi ích của Mỹ và đến ổn định của cả khu vực.

Song cũng vì lợi ích chiến lược của Mỹ, Mỹ không thể khuyến khích hoặc làm ngơ để Trung Quốc tự do bành trướng xuống Đông Nam Á. Trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, chính quyền Clinton đã tỏ ra coi trọng vai trò Đông Nam Á hơn trước. Có thể vì đây là một vùng khá năng động về phát triển kinh tế, đồng thời lại có một cơ chế tiểu khu vực có sức sống và gắn bó với lợi ích kinh tế của Mỹ. Song mặt khác vì đây đang là hướng bung ra của Trung Quốc trong ý đồ lấp “khoảng trống quyền lực” sau khi Liên Xô tan rã và Mỹ thu bớt sự có mặt quân sự ở Đông Nam Á. Lợi ích của Mỹ là tạo ra được ở đây một Đông Nam Á ổn định và đủ mạnh để cản bước Trung Quốc trong chiến lược “biên giới mềm” và “mở rộng không gian sinh tồn”. Ý đồ của Mỹ là từng bước thúc đẩy việc mở rộng ASEAN thành một tổ chức chung cho cả 10 nước Đông Nam Á, có khả năng trở thành một đối trọng đáng kể đối với Trung Quốc bảo đảm ổn định khu vực. Trong kế hoạch tạo lập một cơ chế an ninh khu vực của châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Nhật và phương Tây nói chung đều đã lấy ASEAN làm cốt lõi về tổ chức. Hội nghị thường niên giữa ASEAN và 6 nước đối tác đang trở thành diễn đàn trao đổi về an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga cũng tỏ thái độ ủng hộ phương hướng này. Riêng Trung Quốc không mặn mà.

Vậy có khả năng Mỹ đồng tình hay cấu kết với Trung Quốc chống Việt Nam không ? Trước đây Mỹ và Trung Quốc hợp lực chống Việt Nam trong vấn đề Campuchia là vì cả hai cùng có yêu cầu chung là đánh vào Liên Xô và xoá bỏ ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á. Nay Liên Xô đã sụp đổ, thế chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi, nếu Mỹ lại đi với Trung Quốc chống Việt Nam thì chẳng khác gì là đẩy Việt Nam vào tình thế hoặc chủ động liên minh với Trung Quốc hoặc phải khuất phục trước sức mạnh của Trung Quốc, từ đó tạo điều kiện cho Trung Quốc từng bước khống chế cả Đông Nam Á một cách dễ dàng và nhanh chóng trở thành một trong những đối thủ đe doạ vị trí số 1 của Mỹ trên toàn cầu. Điều này hoàn toàn ngược lại mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Mặt khác, một nước Việt Nam đổi mới, độc lập với Nga, Trung Quốc cũng như không chịu sự chi phối của Nhật, cải thiện quan hệ và hoà nhập với các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích của Mỹ về hoà bình, ổn định, nhằm duy trì ảnh hưởng của Mỹ và hạn chế các thách thức nổi lên đối với vị trí của Mỹ ở khu vực. Việt Nam tuy không có một vị trí quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn là một nhân tố mà Mỹ không thể không tính đến trong chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Hơn nữa về kinh tế Mỹ có lợi ích tranh thủ thị trường và nguồn nhiên liệu của Việt Nam. Mỹ không muốn vắng mặt trong khi các đối thủ của Mỹ đi mạnh vào thị trường Việt Nam.

Bên cạnh những lợi ích có phần nào trùng hợp với ta như trên, mặt tiêu cực trong chính sách của Mỹ đối với ta không nhỏ. Mỹ không thể từ bỏ ý đồ diễn biến hoà bình với ta. Tuy nhiên Mỹ có làm được hay không chủ yếu còn tuỳ thuộc vào khả năng giữ vững ổn định chính trị trong nước của ta, tức là tuỳ thuộc vào bản lĩnh chính trị của Đảng ta và sự vững vàng cảnh giác của cán bộ và nhân dân ta và sự gắn bó giữa dân với Đảng. Ở đây nhân tố vững mạnh bên trong có ý nghĩa quyết định. Thắng lợi của công cuộc Đổi mới, sự ổn định về kinh tế – xã hội ở nước ta và việc không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng trong quá trình đa dạng hóa và mở rộng quan hệ quốc tế sẽ là đảm bảo tốt nhất hạn chế tác động của mọi thủ đoạn diễn biến hoà bình. Mặt khác cũng phải thấy rõ không phải Mỹ tập trung chống phá Việt Nam với bất cứ giá nào vì Mỹ có những ưu tiên chiến lược lớn hơn và hơn nữa hiện nay Mỹ đang có những lợi ích trùng hợp với ta ở khu vực mà ta có thể tranh thủ lợi dụng để phục vụ hữu hiệu cho mục tiêu chiến lược của ta.

2. Chiến lược của Trung Quốc và ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam

Trái với Mỹ, Trung Quốc thấy ở những biến đổi lớn trong cục diện thế giới ngày nay, một “cơ hội ngàn năm có một”. Đối với Trung Quốc cơ hội đang tăng lên, còn thách thức giảm đi. Trong khi Mỹ cảm thấy cần co bớt lại để củng cố và phòng ngự là chính thì Trung Quốc nuôi tham vọng lớn là muốn vươn lên trở thành một cực trong trật tự thế giới đa cực mới. Trong khi hiện đại hoá trên 4 mặt vẫn là cứu cánh chính để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc không ngừng tranh thủ mọi cơ hội có được để thực hiện kế hoạch bành trướng, gây mất ổn định của nước khác (Campuchia, Myanmar) để mưu lợi cho mình. Do hiện nay thế cũng như lực chưa đủ mạnh, nên họ thực hiện ý đồ một cách tính toán thận trọng tuỳ theo diễn biến của tình hình khu vực, phản ứng của các đối thủ và thực lực của chính họ.

Trước mắt Trung Quốc đang ra sức thực hiện ý đồ nhanh chóng trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương, có địa vị ngang hàng với Mỹ, Nhật ở khu vực này. Trung Quốc đặt mục tiêu lấn chiếm toàn bộ biển Đông ở vị trí ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, vì kiểm soát được biển Đông tức là khống chế được cả Đông Nam Á và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái bình dương qua Ấn Độ Dương, và cũng là khu vực giầu tài nguyên nhất là dầu khí (trữ lượng dầu ở khu vực này ngang Vịnh Ba Tư) mà Trung Quốc đang cần để đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Đáng chú ý là trong khi Trung Quốc mở một chiến dịch hoạt động ngoại giao rộng lớn nhằm tranh thủ tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với tất cả các nước công nghiệp hoá phương Tây, tranh thủ các nước đang phát triển và không liên kết hòng khôi phục vai trò lãnh đạo thế giới thứ ba, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng cùng chung biên giới, đặc biệt là gần đây tăng cường lôi kéo các nước khu vực Đông Nam Á để phá thế “quần lang đấu hổ”, thì Trung Quốc luôn tập trung mũi nhọn gây sức ép và lấn dần Việt Nam trên mọi vấn đề, mặc dù ta đã dùng đủ phương sách để tỏ rõ thái độ cầu hoà và hữu hảo với họ. Phải chăng vì Trung Quốc cho rằng Việt Nam là điểm yếu và dễ tính để lấn nhất lúc này (khó về quân sự, nghèo về kinh tế, đơn độc về chính trị) mà lại chiếm một vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á và là trở ngại lớn nhất cho kế hoạch biển Đông của Trung Quốc.

Những hoạt động bất lợi đối với Việt Nam của Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới vì Trung Quốc cho rằng tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc lấn ép Việt Nam mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất vì Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa các nước và Việt Nam còn chưa phát triển; vấn đề Campuchia đang còn thu hút nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế; cơ chế an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa hình thành. Trung Quốc đặt năm 1997 thành một mốc thời gian quan trọng trong quá trình xây dựng sức mạnh mọi mặt của Trung Quốc: năm 1997 là năm Trung Quốc thu hồi Hồng Kông và cũng có thể là năm thực hiện một bước kế hoạch hình thành “vành đai kinh tế Đại Trung Hoa” bao quanh Đông Nam Á; năm 1997 là năm quân đội Trung Quốc sẽ được trang bị hàng không mẫu hạm và các trang bị tối tân khác, đặc biệt về hải không quân để có thể vươn ra khắp biển Đông; có tin Trung Quốc đang cố rút ngắn mục tiêu của năm 2000 xuống năm 1997 sẽ tăng tổng sản phẩm quốc dân lên gấp 4 lần. Sức ép của Trung Quốc đối với ta sẽ phát triển thuận chiều với sự phát triển các mặt của Trung Quốc.

3. Những phân tích tình hình trên đây có thể dẫn đến kết luận: Trước mắt cũng như trong tương lai dự báo được, Trung Quốc là nguồn xuất xứ chính của những thách thức đe doạ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Những thách thức đe doạ trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với ta đều đang là những vấn đề hiện thực, đang xảy ra và ta đang phải xử lý, khác với những thách thức đe doạ của các đối tượng khác, kể cả Mỹ, có phần nào còn là giả định và dự phòng. Những mâu thuẫn về lợi ích trên các mặt giữa ta với Trung Quốc có nhiều hơn với các đối tượng khác.

Không có nhận xét nào: