Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

PHUNG KHAC KHOAN

Phùng Khắc Khoan

Trong thế kỷ XVI có lẽ chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan là hai gương mặt lớn nhất, tiêu biểu cho lịch sử văn hóa dân tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có ý thức tìm về cội rễ tinh thần dân tộc rất sâu sắc nhưng cũng thấm nhuần đến cốt lõi văn hóa Trung Hoa và mang một phong độ sống cao khiết của nhà hiền triết á Đông ít ai sánh được. Còn Phùng Khắc Khoan tuy học vấn sâu rộng, song là người có cuộc sống hết sức lão thực, hết sức dân dã, gần gũi với công việc đồng áng, nông tang..., được nhân dân phong Trạng gọi là Trạng Bùng.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, quê ở làng Phùng Xá, tên Nôm là Kẻ Bùng, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Ông có tên hiệu là Hoằng Phu, Nghị Mai, Mai Nham Tử. Phùng Khắc Khoan đậu tiến sĩ năm 1580, đời Lê Thế Tông (1573-1600) khi ấy ông đã 53 tuổi và đã là một công thần có nhiều thành tích với nhà Lê trong cuộc chống Mạc. Nhờ có công lao mấy chục năm phò giúp nhà Lê, Phùng Khắc Khoan được phong nhiều chức vụ quan trọng như Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu Tán trị Thừa chính sứ ty, Thừa chính các xứ Thanh Hóa, Tả thị lang bộ Công, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hộ... Năm 1597, Phùng Khắc Khoan được cử làm chánh sứ dẫn đầu một sứ bộ sang triều Minh và cuộc đi sứ của Cụ đã thành công lớn.
Sau khi xin nghỉ quan vì già cả, Phùng Khắc Khoan về quê sống và trên miền quê sứ Đoài, cụ đã cho trùng tu hai nhịp cầu Nhật Tiêu, Nguyệt Tiêu kiều bên núi Sài trước mặt chùa Thầy. Ngoài ra Phùng Khắc Khoan còn cho đào mương tưới nước quanh vùng núi Thầy, từ đó dẫn nước đi tưới cho các vùng lân cận. Nhưng đậm nét nhất trong ký ức nhân dân Bùng Xá vẫn là công đức Phùng Khắc Khoan truyền dạy cho dân làng nghề dệt tơ và cách trồng ngô, trồng đỗ do cụ đưa giống về. Phùng Khắc Khoan qua đời năm 1613, thọ 86 tuổi.
Sự nghiệp thơ văn Phùng Khắc Khoan để lại khá lớn, bao gồm sáng tác bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm, trong đó có ba tác phẩm quan trọng là Ngôn chí thi tập, Lâm tuyền vãn, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập.
Thơ Phùng Khắc Khoan vừa nói cái chí lớn của kẻ nam nhi phải lập công danh ở đời, vừa nêu cao vai trò của sách vở, văn chương, của văn hóa, với quan niệm rằng tất cả những người làm nên sự nghiệp "khanh tướng" đều có học vấn cao:
Từ xưa những người lập thân làm nên khanh tướng,
Là những người trong bụng phải có thi thư.
ở Phùng Khắc Khoan hoài bão về sự nghiệp văn chương cũng rất lớn. Khi mới 16-17 tuổi, Cụ đã Tự bày tỏ tâm sự của mình:
Kề sinh nhai cất chứa trong nhà sách là của quý,
Sức lực thay cày bừa bút là nô bộc.
Phùng Khắc Khoan có một quan niệm về văn chương rõ ràng: "Văn chương phải sắc bén, coi thường con dao của bọn thư lại. Bút phải được dùng làm tươi sáng, vẻ vang cho nước". Và: "Cái gọi là thơ không phải là thứ láu lưỡi trong tiếng sáo lối chới chữ dưới ngòi bút". Thơ văn, theo Phùng Khắc Khoan phải là:
Hạ bút làm cho mưa gió phải động
Thơ thành khiến quỷ thần kinh sợ.
Nội dung thơ văn Phùng Khắc Khoan cũng phong phú, đẹp đẽ như chính cuộc đời cụ, một cuộc đời lớn, tất cả vì đất nước, nhân dân

Không có nhận xét nào: